Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải pháp 'kéo' các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào Việt Nam

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam rất quan tâm đến 3 lĩnh vực gồm hạ tầng đất đai, nguồn nhân lực và thể chế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chia sẻ tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 2/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương cho biết việc thu hút các dự án FDI lớn, nhất là những dự án đầu tư, doanh nghiệp lớn về công nghệ đầu tư vào Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng đã được Thủ tướng đặt ra cho các bộ, ngành.

Theo Thứ trưởng Phương, trong nửa đầu năm 2023, tiến độ thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tăng trưởng khá thấp do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là khó khăn của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm, hoạt động này đã phục hồi mạnh mẽ.

Hai tháng đầu năm nay, kết quả thu hút vốn đầu tư FDI vẫn diễn ra tích cực. Trong đó, vốn đầu tư đăng ký đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%. Theo lãnh đạo Bộ KHĐT, đây là mức tăng trưởng rất cao.

"Thông thường tăng trưởng mấy phần trăm đã là khủng khiếp, nhưng chúng ta ghi nhận mức tăng lên tới 38,6% là sự đáng mừng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam", Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.

Bên cạnh số vốn đăng ký tăng mạnh, vốn giải ngân trong 2 tháng đầu năm cũng đạt 2,8 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ.

Một điểm đáng chú ý về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua là tỷ lệ vốn mới và dự án mới rất cao. "Đây là một tín hiệu rất tốt, kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 cũng như 2025", ông nói.

Chia sẻ về giải pháp đột phá để thu hút các dự án, nhà đầu tư FDI lớn, nhất là các dự án, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, chip bán dẫn, cũng như các ngành công nghiệp mới, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho biết các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến 3 lĩnh vực gồm hạ tầng đất đai, nguồn nhân lực và thể chế.

Theo đó, đối với các dự án lớn, nhu cầu về đất đai rất lớn. Do đó, lãnh đạo Bộ KHĐT cho rằng cần tập trung hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là triển khai ngay những văn bản hướng dẫn để thực hiện sớm trong những ngày đầu Luật Đất đai có hiệu lực.

"Đây không chỉ là điều người dân Việt Nam mà cả các nhà đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài mong chờ và quan tâm. Bởi vì trong Luật Đất đai có nhiều điểm mới, tháo gỡ cho việc thúc đẩy khu vực đầu tư và phát triển nâng cao kim ngạch", Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.

Với giải pháp về nguồn nhân lực, ông Phương cho rằng Việt Nam cần có những giải pháp đột phá về lĩnh vực này. Bộ KHĐT và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút hoàn thành đề án để trình Thủ tướng về việc phấn đấu đào tạo khoảng 100.000 công nhân, người lao động, kỹ sư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chip bán dẫn, trong đó có 50.000 người riêng cho lĩnh vực chip bán dẫn.

"Với các nhà đầu tư nước ngoài, quy mô lớn, người ta đòi hỏi rất cao về nguồn nhân lực. Chúng ta có lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, vẫn còn trong thời kỳ dân số vàng. Nhưng cái chúng ta cần tập trung nhiều hơn là trình độ, kỹ năng của người lao động", Thứ trưởng nói.

Về thể chế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thời gian qua, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua rất nhiều chính sách đột phá mới, có tác động tích cực đến tăng trưởng, thu hút đầu tư như là Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các Luật khác.

Bên cạnh đó, các quy định mới về xuất nhập cảnh, thủ tục, nội quy visa cũng tác động tích cực đến tâm lý của nhà đầu tư khi đến Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam vẫn cần nghiên cứu các chính sách mang tính khích lệ, động viên cũng như tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư lớn để thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam, đủ mức độ hấp dẫn và tối ưu việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp Hàn góp 11% tổng thu ngân sách từ nhóm FDI

Hiện tại, Hàn Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu về đầu tư vốn FDI vào Việt Nam.

Vượt TP.HCM, Hà Nội dẫn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Trong 2 tháng đầu năm, Hà Nội đã vượt TP.HCM, Quảng Ninh, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gấp hàng chục lần so với cùng kỳ.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới vô cùng quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm