Trong buổi lễ công bố diễn ra tại Oslo, thủ đô Na Uy, hôm 10/10, bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, nói Thủ tướng Abiy Ahmed "đóng vai trò then chốt trong việc đi đến hiệp ước hòa bình" giữa Ethiopia và Eritrea.
"Khi Abiy Ahmed trở thành thủ tướng vào tháng 4/2018, ông nói rõ rằng ông muốn nối lại các cuộc đàm phán với Eritrea... hợp tác chặt chẽ với tổng thống của Eritrea, Abiy Ahmed đã nhanh chóng đưa ra các nguyên tắc cho một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt thế bế tắc bất hòa lâu năm giữa hai nước", bà nói.
Bà cũng đề cập đến việc sẽ có những ý kiến về việc trao giải cho ông Abiy Ahmed lúc này là "sớm", khi ông chỉ mới đắc cử và nhậm chức vào năm ngoái. Tuy nhiên theo bà, giải thưởng là kịp thời để ghi nhận công sức của nhà lãnh đạo cũng như để "cổ vũ" những người khác.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed. Ảnh: AFP. |
Văn phòng Thủ tướng Ethiopia đã bày tỏ "niềm tự hào" khi ông Abiy Ahmed được chọn để trao giải Nobel Hòa bình.
Hòa bình sau hai thập niên
Ethiopia và Eritrea đã rơi vào thế bế tắc quân sự sau cuộc chiến tranh biên giới 1998-2000 khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng (một số ước tính khác nói là 300.000).
Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki nhận một chiếc chìa khóa từ Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed trong buổi lễ đánh dấu mở cửa lại Đại sứ quán Eritrea tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Ảnh: Reuters. |
301 ứng viên cho giải thưởng năm 2019
Thủ tướng Ethiopia đã được cân nhắc cùng nhiều cái tên nổi bật khác cho giải Nobel Hòa bình năm nay. Nhiều người đã đặt cược vào Greta Thunberg - cô bé Thụy Điển 16 tuổi kêu gọi chống biến đổi khí hậu, hay Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern - người được ca ngợi vì phản ứng nhanh chóng và quyết đoán trong vụ xả súng tại hai nhà thờ Hồi giáo ở nước này.
Theo website của Ủy ban Nobel, 301 ứng viên đã được đề cử cho giải thưởng năm nay. Tuy nhiên, ủy ban sẽ không tiết lộ danh sách này cho đến 50 năm sau.
Giải Nobel Hòa bình là một trong năm giải thưởng ban đầu được Alfred Nobel đề cập trong di chúc. Theo nguyện vọng của ông, giải Nobel hòa bình nên được trao "cho người đã đóng góp nhiều nhất hoặc tốt nhất cho việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang cũng như tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình".
Trong khi các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do một tổ chức của Thụy Điển quyết định, người hoặc tổ chức được xét trao giải Nobel Hòa bình sẽ được quyết định bởi Ủy ban Nobel Na Uy do quốc hội Na Uy lập ra.
Từ năm 1901 đến năm 2018, giải thưởng đã được trao cho 106 cá nhân và 24 tổ chức, trong đó người trẻ nhất từng nhận giải là nhà hoạt động người Pakistan Malala Yousafzai (17 tuổi, năm 2014). Do bản chất liên quan đến chính trị, giải Nobel Hòa bình đã luôn là chủ đề gây tranh cãi trong lịch sử.
Khác với các giải Nobel còn lại, giải Nobel Hòa bình cũng được trao cho các tổ chức, hội nhóm, chẳng hạn Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (3 lần) và Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (2 lần). Gần nhất, giải thưởng năm 2017 được trao cho Chiến dịch Quốc tế về Xóa bỏ Vũ khí hạt nhân (ICAN).
Mùa giải Nobel năm nay bắt đầu hôm 7/10 với giải thưởng đầu tiên được trao trong lĩnh vực y học/sinh học, sau đó lần lượt là vật lý, hóa học, văn học. Giải Nobel Kinh tế sẽ được công bố cuối cùng vào ngày 14/10. Các lễ trao giải sẽ diễn ra tại cả Thụy Điển và Na Uy vào tháng 12.