Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nobel Hóa học 2019 vinh danh 3 nhà sáng chế pin, 'sạc lại thế giới'

Giải thưởng Nobel Hóa học 2019 được trao cho 3 nhà khoa học vì phát triển pin lithium-ion, giúp xây dựng "một thế giới có thể sạc được" như ngày hôm nay.

Giải thưởng được trao cho ba nhà khoa học là John B. Goodenough, sinh tại Đức vào năm 1922 và đang làm việc tại Đại học Texas (Mỹ); Stanley Whittingham, sinh tại Anh vào năm 1941 và đang làm việc tại Đại học Binghamton, New York (Mỹ); cùng với ông Akira Yoshino, sinh tại Nhật Bản vào năm 1948, đang làm việc cho tập đoàn Asahi Kasei và Đại học Meijo ở Nagoya (Nhật Bản).

Tại buổi họp báo công bố giải hôm 9/10, nhà lý-hóa học Sara Snogerup Linse, Chủ tịch Ủy ban Nobel về Hóa học, nhấn mạnh pin lithium-ion với trọng lượng nhẹ mà các 3 nhà khoa học nghiên cứu phát triển đã giúp đưa thế giới "tiếp cận với một cuộc cách mạng công nghệ mới".

Những nghiên cứu của các nhà khoa học này từ thập niên 1970 đã giúp tạo ra được pin lithium và được ứng dụng rộng rãi trên đủ thiết bị công nghệ hiện nay, từ điện thoại di động đến máy tính xách tay, xe điện và thu ổn định các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió.

Hướng đến một thế giới "có thể sạc lại được"

Ba nhà khoa học đóng những vai trò quan trọng trong từng giai đoạn nghiên cứu, phát minh và phát triển pin lithium.

Quá trình nghiên cứu bắt đầu với dự án thập niên 1970 của nhà khoa học Stanley Whittingham, hướng đến tương lai công nghệ không còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Ông tận dụng và kiểm soát được tiềm năng giải phóng electron của lithium để phát triển pin lithium đầu tiên trên thế giới.

Guardian nhận định giải thưởng Nobel Hóa học 2019 có thể xem là một giải thưởng "đại chúng" mà giới quan sát đã mong chờ suốt nhiều năm qua. Pin lithium ion đã được ứng dụng vào gần như mọi mặt trong cuộc sống hiện nay và là một phần không thể thiếu trong thời đại của công nghệ kỹ thuật số.

Nobel Hoa hoc 2019 anh 1
Ba nhà khoa học được giải Nobel Hóa học 2019. Ảnh: Học viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.

Ủy ban Nobel cho biết họ chỉ liên hệ được với 2 nhà khoa học trong số 3 người đoạt giải là Stanley Whittingham và Akira Yoshino. Giải thưởng vẫn chưa được báo trực tiếp cho ông John Goodenough, một phần vì thời điểm công bố là 5h sáng ngày 9/10 tại Texas.

Trong phần trả lời báo chí qua điện thoại, ông Yoshino cho biết trí tò mò là động lực lớn nhất giúp ông nghiên cứu và đạt được phát minh về pin lithium-ion chứ không phải mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn từ phát minh của mình.

Người lớn tuổi nhất từng nhận giải Nobel

Với sự lựa chọn của Ủy ban Nobel Hóa học năm nay, ông John Goodenough đã trở thành "kỷ lục gia" mới của giải thưởng Nobel khi nhận giải ở độ tuổi 97.

Nhà khoa học gốc Đức, đang sống tại Texas, cho biết ông vẫn chưa từ bỏ niềm đam mê của mình và nghiên cứu về công nghệ pin. Ông cũng hy vọng có thể nhìn thấy nghiên cứu sinh tiến sĩ cuối cùng của mình tốt nghiệp.

Nobel Hoa hoc 2019 anh 2
John B. Goodenough đã 97 tuổi và là người đoạt giải thưởng Nobel lớn tuổi nhất lịch sử giải. Ảnh: The Times.

Trong cuộc phỏng vấn với The Times vào tháng 6, Goodenough chia sẻ chân thành ông không dự báo quá nhiều vào thời điểm cùng các cộng sự phát triển pin lithium.

"Tôi không biết những kỹ sư điện sẽ làm gì với loại pin này. Tôi không thể đoán trước được những phát minh như điện thoại di dộng, máy quay phim và đủ thứ khác trên đời", ông nói.

"Tôi không biết khi nào Chúa trời sẽ đưa tôi đi. Nhưng có lẽ cũng sớm thôi. Ở cái tuổi này, tôi không dám nhận hướng dẫn ai nghiên cứu tiến sĩ mà phải mất đến 4 năm. Người học trò cuối cùng của tôi là một chàng trai khá giỏi. Tôi đã lên kế hoạch chứng kiến cậu tốt nghiệp. Đó là kế hoạch của tôi thôi, nhưng dĩ nhiên tôi không phải là người quyết định. Tôi sống đếm từng ngày, và chỉ làm được vậy mà thôi".

Trong gần 119 năm qua, đã có tổng cộng 110 giải thưởng Nobel Hóa học được trao cho 181 nhà khoa học trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ có 5 nữ khoa học gia nhận giải Nobel Hóa học trong lịch sử. Giải thưởng Nobel Hóa học không được trao vào các năm 1916, 1917, 1919, 1924, 1933, 1940, 1941 và 1942.

Nhà khoa học trẻ tuổi nhất từng nhận được giải thưởng danh giá này là Frederic Joliot-Curie, một bác sĩ người Pháp, vào năm 1935 ở tuổi 35. Ông nhận giải cùng với vợ mình là Irene Joliot-Curie (con gái của Marie Curie) sau khi hai người phát hiện ra hoạt động phóng xạ nhân tạo.

Trong di chúc cuối đời, nhà khoa học Alfred Nobel tuyên bố để lại 94% gia tài để vinh danh những người có cống hiến “vĩ đại nhất cho nhân loại” trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y Sinh, Văn học và Hòa bình. Người được Nobel ủy thác thực hiện di chúc là hai kỹ sư trẻ Ragnar Sohlman và Rudolf Lilljequist.

Họ lập ra Quỹ Nobel quản lý khối tài sản do nhà phát minh thuốc nổ để lại. Có 5 giải Nobel đầu tiên được trao vào năm 1901. Đến năm 1969, Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Kinh tế học tưởng nhớ Nobel (thường được biết đến với tên gọi giải "Nobel Kinh tế") ra đời và được trao để vinh danh Alfred Nobel.

Giải Nobel Vật lý 2019 cho hai nghiên cứu về vũ trụ

Giải Nobel Vật lý 2019 được trao cho 3 nhà khoa học với hai công trình nghiên cứu "đóng góp vào sự hiểu biết về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái Đất trong vũ trụ".

Nobel Y Sinh 2019 cho nghiên cứu phản ứng của tế bào khi oxy thay đổi

Ủy ban Nobel ngày 7/10 công bố giải Nobel Y Sinh năm 2019 thuộc về nhóm 3 tác giả William G. Kaelin Jr, Sir Peter J. Ratcliffe và Gregg L. Semenza.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm