Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải mã Thần Đất

Cha ông ta đã có câu “Hòn đất mà biết nói năng thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”. Đây là một ẩn dụ nói về Thần Đất của Việt Nam trong dân gian.

bieu tuong van hoa,  bieu tuong truyen thong,  bieu tuong viet nam anh 1

Tranh thờ vẽ Thổ địa cưỡi cọp vàng.

Thần Đất là dạng tín ngưỡng lâu đời, mang tính “tự phát” của người dân nông nghiệp với đất đai, đồng ruộng của họ. Cùng với Thần Đất còn vô số loại thần khác ở làng như thần rắn, thần chó, thần đá, thần cây, thần ăn mày, thần ăn cướp, thần ăn cắp, thần gắp phân, đặc biệt là các vị thần nghề hay tổ nghề của làng. Mỗi vị thần này, khi chưa chịu sự chi phối của chính quyền, là vị thần riêng biệt của mỗi làng mà chúng ta có thể gọi chung là Thần làng.

Khi chính quyền phong kiến muốn thâu tóm thần quyền về tay mình, họ đã loại dần các vị Thần làng nói trên và thay vào đó các vị Thiên thần và Nhân thần (có tính “cung đình” hơn các vị Thần làng dân gian). Các vị này sau đó đều được gọi là Thành Hoàng của làng mà không gọi là Thần làng (phải chăng vì tên gọi Thành Hoàng có vẻ cao sang hơn?).

Như vậy, Thần Đất chỉ là một trong vô số các vị thần bản địa và là một trong số các vị Thần làng từng tồn tại trong văn hóa dân gian của người Việt. Có lẽ, các nhà nghiên cứu cần nhìn nhận lại vị trí của Thần làng trong tín ngưỡng dân gian làng xã của người Việt trước sự “áp đảo” của Thổ công và Thành Hoàng có nguồn gốc Trung Hoa, để từ đó có thể tái phân loại các vị thần bản địa của người Việt (chứ không thể chỉ có hai loại Thiên thần và Nhân thần theo một cách phân loại mang tính áp đặt của chính quyền phong kiến vốn “ưa thích” những mỹ tự “cao sang” sử dụng Hán tự).

Điều này sẽ giúp chúng ta bóc tách các yếu tố Trung Hoa trong tín ngưỡng làng xã để khẳng định đặc tính văn hóa của người Việt. Xa hơn, sự nhìn nhận lại vị trí của Thần làng trong văn hóa Việt Nam sẽ giải mã “nghi vấn lịch sử” về lý lịch của các vị thần được vua nhà Hậu Lê “bịa ra” qua vô số thần phả, thần tích. Việc khẳng định sự tồn tại của các vị Thần làng Việt Nam cũng là một cách khẳng định bản sắc văn hóa của người Việt từng tồn tại từ lâu đời trong lịch sử và vẫn đang tồn tại một cách sống động trong đời sống người dân Việt Nam hôm nay.

Có thể nói, tín ngưỡng thờ Thần Đất trong văn hóa Việt Nam là một nét văn hóa đặc thù và cũng là một trong những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Tìm hiểu Thần Đất của người Việt trong quá khứ giúp chúng ta phân biệt được vai trò, vị trí, tên gọi... của mỗi vị thần có liên quan đến tín ngưỡng này. Từ đó xác định được những giá trị văn hóa tiêu biểu trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Trên thực tế, sự tìm tòi và hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa của dân tộc cũng là một cách khẳng định những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc và khẳng định giá trị của những yếu tố cấu thành bản sắc của dân tộc đó.

Trong xã hội hiện đại, đặc biệt là trong giai đoạn bùng nổ kinh tế ở Việt Nam từ sau “đổi mới”, đời sống văn hóa tinh thần của người dân có nhiều biến đổi. Những sự biến đổi này bao gồm cả yếu tố tích cực cũng như tiêu cực. Yếu tố tích cực là người dân được tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng những vị thần mà họ quan tâm, góp phần quan trọng trong đời sống tinh thần hay “đời sống tâm linh” của con người. Bên cạnh đó, những biến đổi mang tính chất mê muội cũng mang đến vô số hệ lụy đối với con người và xã hội.

Một trong những hệ lụy lớn nhất của loại tín ngưỡng này là góp phần làm “ngu muội hóa” đời sống tín ngưỡng truyền thống (vốn dĩ lành mạnh) của người dân. Sự sùng bái quá mức những tín ngưỡng mà bản thân mình thiếu hiểu biết đã khiến một bộ phận người dân trở nên mê muội. Chẳng hạn như ăn thịt ngỗng sẽ bị điểm hai, ăn trứng bị điểm không, ăn thịt vịt đầu tháng sẽ rủi ro cả tháng, ra ngõ gặp đàn bà con gái sẽ xui xẻo... là những niềm tin vô căn cứ và phi khoa học.

Việc tổ chức thờ cúng Thần Đất một cách thái quá hiện nay cũng là một trong những biểu hiện của sự mê muội được dẫn dắt bởi các thầy địa lý. Đặc biệt, niềm tin về “linh vật trấn yểm” hay “vật phẩm phong thủy” đang trở nên một miếng mồi béo bở cho những “thầy phong thủy rởm” và kẻ gian trục lợi bất chính từ sự thiếu hiểu biết của chúng ta. Nhiều “đại gia” đã chi hàng trăm tỷ nhờ “thầy địa lý” chọn đất và trấn yểm cho ngôi mộ của gia đình hay ngôi mộ của mình mà quên mất một điều rằng họ có thể bị lừa hoặc chính cái sự xa hoa đó có thể dẫn đến nguy cơ bị “đào mả” (khai quật) trong tương lai.

Vì sao rất nhiều người dù đã “trấn yểm” kỹ lưỡng bằng những vật phẩm hết sức tốn kém nhưng vẫn “tán gia bại sản”, vẫn phải vào tù, thậm chí lĩnh án tử hình? Phải chăng do họ cũng nhầm thần lọ với thần kia. Cha ông ta đã có câu “Hòn đất mà biết nói năng thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”. Để tránh những tai họa đó có lẽ việc đầu tiên là chúng ta nên tìm hiểu thật kỹ về vị thần của mình và vị thần quan trọng như Thần Đất thì càng nên được tìm hiểu một cách kỹ lưỡng hơn.

Đinh Hồng Hải

NXB Thế giới

SÁCH HAY