Giải mã sự biến động giá vàng, USD
Trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường chứng kiến những biến động mới của tỷ giá USD/VND và giá vàng. Đâu là nguyên nhân?
“Khi giá USD động tới mốc 20.900 VND, các ngân hàng liền xô ra bán, nó lại lùi về quanh mốc 20.880 VND”, lãnh đạo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước cho biết một phần nguyên nhân diễn biến trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng sáng nay (20/2/2013).
“Xô ra bán” được ngầm hiểu rằng, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại hiện vẫn ổn định, tỷ giá tăng lên là cơ hội bán ra. Suốt thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua ròng, tỷ giá trên liên ngân hàng cũng dao động quanh 20.850 VND, nên mức trên 20.900 VND có thể xem mức giá cơ hội cho người bán.
Nhiều người dân mua vàng với tâm lý lấy may đầu năm mới. |
Còn theo niêm yết của các ngân hàng thương mại, mức giá cao nhất sáng nay (20/2) ghi nhận ở 20.910 VND. Đây là mức cao sau một thời gian dài chỉ từ trong khoảng 20.860 - 20.880 VND, thậm chí giảm trước Tết Nguyên đán. Song, mức tăng khoảng 60 VND qua những ngày đầu tuần này là biến động đáng chú ý của tỷ giá.
Lãnh đạo vụ chức năng nói trên nhìn nhận, tỷ giá USD/VND có gợn lên, chủ yếu do tâm lý thị trường, còn tình hình cung - cầu chưa đến mức Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc. Thực tế mức giao dịch của các ngân hàng thương mại vẫn còn cách xa mốc trần 21.036 VND. Biên độ +/-1% là nhỏ về con số tuyệt đối, nhưng vẫn còn rộng để bao các biến động của tỷ giá. Ngoài ra, vị lãnh đạo trên còn tính toán đến một tác động nữa, là nguồn tiền VND sau Tết Nguyên đán nhiều hơn, có thể làm “rung rinh” tỷ giá mấy hôm nay.
Sau khi tiền đồng có dấu hiệu “khan” bớt tháng đầu năm (giảm khoảng 0,53% so với cuối năm 2012) do nhu cầu thanh toán vào mùa cao điểm, đến nay đã có chiều hướng dồi dào trở lại. Trước Tết Nguyên đán, tính đến ngày 7/2, huy động vốn của hệ thống ngân hàng dương nhẹ 0,17% so với cuối năm 2012, nhưng sau Tết, đến 18/2 đã tăng mạnh lên 1,2%. Trong khi đó, giá vàng trong nước trở lại sau kỳ nghỉ với sự phớt lờ diễn biến của giá vàng thế giới.
Trong hơn một tuần nghỉ lễ, giá vàng thế giới liên tục giảm mạnh, trong khi giá vàng trong nước trở lại và giảm cầm chừng, thậm chí tăng lên trong ngày hôm qua (19/2). Chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới quy đổi theo đó lên tới khoảng 4,5 - 4,6 triệu đồng/lượng.
Vị lãnh đạo trên nghiệm lại rằng, lâu nay hễ giá vàng thế giới tăng cao là giá trong nước bắt nhịp nhanh, còn giảm thì thường lừng khừng. Qua kỳ nghỉ vừa rồi, những đầu mối nào giữ vàng tồn quỹ lớn, nếu giá giảm đúng nhịp như thế giới thì chắc chắn lỗ nặng. Diễn biến trên cũng không bất thường, bởi gần một năm qua giữa hai thị trường không có sự liên thông. Cung - cầu là tác động chính đến diễn biến giá trong nước.
Về cầu, ngoài giao dịch thông thường, đầu năm, mà đặc biệt là ngày “vía Thần tài” theo quan niệm lấy may của nhiều người dân, nhu cầu mua vàng tăng cao. “Làn sóng” đó đã quen thuộc ở các tỉnh phía Nam, nay cũng đã lan ra phía Bắc. Trong khi đó, thị trường vàng hiện không có nguồn cung mới để tăng lực đáp ứng. Giá trụ và càng vênh so với giá thế giới.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước, nhiều khả năng trong tháng 3 tới, thị trường sẽ có một nguồn cung từ việc chuyển đổi lượng vàng SJC mà các tổ chức tín dụng chi trả cho người dân gửi trước đó không phải là vàng SJC.
Quy mô nguồn chuyển đổi này khoảng 9 tấn. Ngân hàng Nhà nước vừa phối hợp với ngân hàng Đông Á (DongA Bank) thí điểm tạm xuất tái nhập 100 kg vàng loại này, “đổi” thành vàng tiêu chuẩn quốc tế ở nước ngoài về dập thành vàng miếng SJC, rút ngắn những trở ngại về công nghệ và thời gian khi chuyển đổi ở trong nước (đi cùng với mức phí chấp nhận được).
Quan trọng hơn, ngân hàng Nhà nước đang chờ đợi Bộ Tư pháp thẩm định, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chính thức để có khung pháp lý vào cuộc bình ổn giá, thu hẹp chênh lệch với giá thế giới. “Các nguồn lực chúng tôi đã sẵn sàng, các dự thảo cơ bản đã xong. Khi có quyết định chính thức của Thủ tướng thì việc hoàn tất các quy trình để vào cuộc chỉ mất khoảng hai tuần thôi”, vị lãnh đạo chuyên trách trên cho biết.
Ngoài ra, ông cũng khẳng định rằng, “thanh khoản vàng của các ngân hàng giờ không còn phải lo lắng nữa”. Theo đó, lực cầu từ các ngân hàng thương mại không còn quá căng thẳng như trước nữa.
Theo VnEconomy