World Cup 2018 đã kết thúc với 169 bàn, chỉ kém kỷ lục 171 bàn của hai kỳ 1998 và 2014. Đi kèm với những bàn thắng là vô số kiểu ăn mừng thú vị: một pha nước rút đầy cảm xúc, một cú nhảy và đấm vào không trung hay đơn giản là chạy thật xa cho đến khi có đồng đội bắt kịp rồi nhảy đè lên người...
Việc ăn mừng bàn thắng tại sân khấu lớn nhất hành tinh, trước hàng vạn khán giả đang theo dõi trực tiếp chính là một nghệ thuật của sân cỏ. Nhưng ẩn sau những cao trào cảm xúc được bộc lộ qua những khoảnh khắc ấy lại là sự tổng hòa của xu hướng văn hóa, bối cảnh trận đấu và bản năng thuần túy của mỗi cầu thủ.
Những phong cách ăn mừng tại World Cup 2018. |
Theo Telegraph, với việc World Cup năm nay lập kỷ lục về số bàn phản lưới (12 bàn), một nghiên cứu đã xem xét 157 bàn thắng còn lại của giải đấu để đưa ra những lời giải thích về nghệ thuật ăn mừng trên sân cỏ.
Những cái ôm “ướt át” đầy mồ hôi giữa các cầu thủ vẫn là phong cách ăn mừng xuất hiện nhiều nhất (26 lần) tại World Cup năm nay. Đây có lẽ là minh chứng không thể rõ ràng hơn cho khẳng định bóng đá là môn thể thao tập thể.
Theo sau những cái ôm là một phong cách khác cũng rất quen thuộc, chỉ dấu cho tính đối kháng đầy hấp dẫn của môn thể thao vua: những pha nhảy và đấm vào không trung mạnh mẽ (24 lần).
Vậy bên cạnh 2 kiểu ăn mừng có phần “lỗi mốt” kể trên thì đâu là phong cách được các cầu thủ yêu thích nhất? Câu trả lời là những pha trượt cỏ bằng đầu gối (23 lần) - một kiểu ăn mừng mang dấu ấn của những người hùng bởi vẻ đẹp thẩm mỹ của nó. Cristiano Ronaldo cũng thực hiện màn ăn mừng này.
Cristiano Ronaldo cũng không thể “cưỡng lại” sức hút của phong cách ăn mừng trượt cỏ đậm chất anh hùng. |
Thống kê cho thấy đây cũng là cách phổ biến nhất để các cầu thủ ăn mừng bàn thắng có tính quyết định trận đấu (5 lần). Mặt khác, các cầu thủ tuyển Anh chính là những người ưa thích kiểu ăn mừng này nhất với 4 lần - nhiều nhất giải đấu.
Tuyển Bỉ, đối thủ đã đánh bại tuyển Anh 2 lần tại World Cup năm nay, phần nào cho thấy tinh thần đồng đội rất cao khi dẫn đầu giải đấu (4 lần) ở khoản “ôm ấp”.
Nhưng Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng với tinh thần đoàn kết, mới chính là những người “nâng tầm” phong cách ăn mừng này. Các "Samurai xanh" có 3 lần ăn mừng theo phong cách “cả đội ôm nhau”, với 2 trong số đó xuất hiện trong trận thua 2-3 đầy kịch tính trước tuyển Bỉ.
Trong khi những cú “trượt cỏ” mang đậm tính thẩm mỹ, những cái ôm phản ánh tinh thần đồng đội thì vài số liệu khác lại khó khăn hơn để đưa ra sự giải thích thỏa đáng.
Góc sân bên trái là vị trí ăn mừng ưa thích của số đông cầu thủ tại World Cup năm nay. |
Một trong số đó là việc các cầu thủ có xu hướng chạy ra góc sân bên trái (65 lần) nhiều hơn là góc sân bên phải (42 lần).
Một giả thuyết được đưa ra là những cầu thủ thuận chân phải (chiếm đa số tại giải đấu), sau khi ghi bàn sẽ di chuyển theo đà đạp chân và kết quả là họ sẽ tìm đến góc đối diện chân thuận của mình - tức là phía góc sân bên trái.
Trong khi đó, những pha ăn mừng theo kiểu “nhào lộn trên không” ngày càng ít xuất hiện bởi rủi ro mà nó có thể mang lại. Chỉ có 2 bàn thắng (chiếm 1,2%) được ăn mừng bằng những cú santo.
Những người đem đến chút mới lạ này là Victor Moses (Nigeria) và Salem Al-Dawsari (Ai Cập).
Những cú santo ăn mừng là “của hiếm” tại World Cup 2018. |
Chỉ có 7 bàn thắng tại giải đấu năm nay được ăn mừng bằng những điệu nhảy với những người dẫn đầu là đương kim vô địch Pháp (3 lần), lần lượt theo sau bởi Anh (2 lần) và Colombia (2 lần).
Sự căng thẳng khi phải nhận thẻ phạt cũng khiến các cầu thủ dè dặt hơn và chỉ có 2 người chấp nhận thẻ vàng để cởi áo ăn mừng, bao gồm Xherdan Shaqiri (Thụy Sỹ) và Domagoj Vida (Croatia).
Cá nhân tiền đạo Romelu Lukaku của tuyển Bỉ để lại dấu ấn đẹp với ý thức đồng đội rất cao khi 2 lần quay lại và chỉ tay về phía người kiến tạo cho mình (chiếm 50% số bàn thắng).