Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải mã chuyện 'bay nhầm' chưa có tiền lệ của Vietjet

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu họp với các đơn vị liên quan, chậm nhất đến 5/7 phải có báo cáo làm rõ trách nhiệm vụ máy bay Vietjet

Làm đúng quy trình thì không có sự cố

Trả lời phỏng vấn, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh khẳng định, tại Việt Nam, đây là vụ việc đầu tiên xảy ra. Theo ông Thanh, nếu thực hiện đúng quy trình, không thể có chuyện đó bởi chuyến bay trước khi cất cánh phải có thủ tục gọi là xác nhận lịch trình bay.

Thay vì đưa khách đến Đà Lạt, máy bay của Vietjet lại đưa khách xuống sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa.

Thay vì đưa khách đến Đà Lạt, máy bay của Vietjet lại đưa khách xuống sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa.

Đầu tiên là thủ tục ở phòng điều khiển bay, đó là cơ quan cuối cùng phát ra kế hoạch bay căn cứ trên giấy phép bay của Cục Hàng không VN. Giấy phép bay của Cục Hàng không VN được thông báo cho tất cả các nơi liên quan, kể cả hệ thống quản lý vùng trời của quân đội, lẫn hệ thống hàng không trong nước và nước ngoài, rồi hệ thống các sân bay liên quan.

“Mỗi ngày quân sự và hàng không dân dụng đều phối hợp để chuẩn lại kế hoạch bay và trước mỗi chuyến bay đều phải được xác nhận lại. Đến lúc đó người ta mới gọi là lịch trình bay cuối cùng (flight plan). Nếu muốn thay đổi lịch bay, đầu tiên phải triển khai ở phòng kế hoạch bay, thông tin đến tổ bay, đơn vị điều hành bay, sau đó là sân bay đến", ông Thanh nói.

 Vì sao bay sai không ai biết?

Đối với chuyến bay của Vietjet hạ cánh nhầm xuống Cam Ranh thay vì Đà Lạt, ông Thanh cho biết, điều tra ban đầu, sáng sớm cơ trưởng nhận kế hoạch bay dự kiến. Sau đó, hãng thay đổi lịch bay, đổi tàu bay. Nhân viên điều phái bay của Vietjet Air nhận được kế hoạch thay đổi nhưng không triển khai đầy đủ đến các bộ phận có liên quan vì trong ca trực này, nhân viên có trách nhiệm (đã được cấp phép) chỉ ký kế hoạch mới (bay đi Đà Lạt) và để cho một người học việc (chưa được cấp phép) triển khai đến các bộ phận khác

Tuy nhiên, chỉ có bộ phận tiếp viên và phục vụ mặt đất nhận được kế hoạch mới. Còn cơ trưởng và các bộ phận khác gồm đài chỉ huy, hệ thống quản lý đường dài đều tổ chức theo kế hoạch bay cũ là đi Cam Ranh.

Sự phối hợp của các bên sau đó cũng không tuân thủ đúng quy trình nên đã không phát hiện sai sót. Cụ thể, khi Xí nghiệp mặt đất xếp tải xong đưa tài liệu cho tổ lái ký, cơ phó ký xác nhận nhưng không đọc lại kế hoạch bay. Cơ trưởng không thực hiện họp trước giờ nhận nhiệm vụ với tổ tiếp viên với lý do là thời gian gấp, phải tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn.

Khi máy bay đã cất cánh 28 phút, Phòng Thủ tục bay không nhận được điện văn thông báo chuyến bay Cam Ranh đã cất cánh nên gọi điện hỏi điều hành không lưu thì được biết máy bay đã ở trên trời. Khi đó, bộ phận này phát hiện có sai sót về điểm đến, gọi điện hỏi đại diện VietJet Air ở sân bay, 2 lần hãng đều xác nhận máy bay đi Cam Ranh vẫn đang đỗ ở sân bay, đến lần thứ 3 không xác nhận.

Có quy trình vẫn để lọt vi phạm

Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, hiện Cục đang rà soát lại toàn bộ quy trình sớm báo cáo Bộ GTVT. Ông Thanh nhìn nhận, lỗi trực tiếp là của hãng hàng không, sai sót cả ở năng lực và quy trình. Về phía Cục Hàng không VN cũng có trách nhiệm giám sát chưa tốt.

Chỉ đạo cuộc họp về sự cố nghiêm trọng này, chiều 25/6, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, sự cố của Vietjet Air hết sức nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay. Tại cảng hàng không có rất nhiều đơn vị nhưng lâu nay phối hợp giữa các bên chưa tốt, còn đùn đẩy trách nhiệm. 

Bộ trưởng nói: “Thay mặt lãnh đạo Bộ, tôi xin lỗi người dân và hành khách đã để việc này xảy ra”.  Bộ trưởng yêu cầu tất cả các cơ quan nghiêm túc rút kinh nghiệm để không xảy ra sự cố tương tự. Với Vietjet, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không VN đánh giá lại điều kiện hoạt động. “Nếu năng lực của hãng không đủ thì giảm bớt tàu bay đi”, Bộ trưởng kiên quyết đồng thời giao một Thứ trưởng làm rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm để xảy ra sự cố nghiêm trọng này, báo cáo trước 5/7.

"Nếu điều độ viên ngay khi phát hiện sai, thông báo phòng thủ tục bay và bộ phận này can thiệp kịp thời vẫn có thể cho phép phi công chuyển hướng bay đến Đà Lạt. Tuy nhiên, tất cả đều không làm hết trách nhiệm của mình”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu

 

 

http://giaothongvantai.com.vn/giao-thong-phat-trien/van-tai/201406/giai-ma-chuyen-bay-nham-chua-co-tien-le-cua-vietjet-501894/

Theo T.Giang - P.Anh/Giao Thông Vận Tải

Bạn có thể quan tâm