Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải mã ADN của công dân toàn cầu

Không phải cứ thông thạo nhiều ngoại ngữ, am hiểu nhiều nền văn hóa mới là công dân toàn cầu. GS Phan Văn Trường nêu định nghĩa riêng trong "Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ".

Mỗi chúng ta sinh ra đã là một công dân của vũ trụ. Qua quá trình trưởng thành, quá trình văn minh hóa, ta có được sự tự giác tu thân, tìm ra vị trí và sứ mệnh của mình trên thế giới, trở thành một công dân toàn cầu.

Đây là đề tài được bàn đến trong cuốn Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ của GS Phan Văn Trường. Vị giáo sư này là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của chính phủ Pháp về thương mại quốc tế.

Ông sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở Malaysia và học tập bằng tiếng Pháp. Khi đi làm, ông sử dụng tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, và cả tiếng Thái, tiếng Bahasa Indonesia và Malaysia. GS Phan Văn Trường làm việc trong doanh nghiệp có văn phòng trên 60 nước. Ông đi thăm các cơ sở đó mỗi năm.

Người ta thấy ở ông những phẩm chất của một công dân toàn cầu đích thực. Nhưng khi xét về khái niệm này, giáo sư nói: “Không phải cứ có kích thước quốc tế mà có thể tự cho nhãn hiệu công dân toàn cầu".

Tại buổi giao lưu với bạn đọc về cuốn sách Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ diễn ra ngày 10/7 tại TP.HCM, GS Phan Văn Trường cho rằng “công dân toàn cầu” là một phong thái văn hóa, khó có thể định nghĩa dựa trên những tiêu chuẩn vật chất.

Cong dan toan cau anh 1

Sách Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ của GS Phan Văn Trường, ảnh: NXB Trẻ.

Những yếu tố tạo nên một công dân toàn cầu

“Công dân toàn cầu” không phải là một khái niệm mới. Ngay đầu cuốn sách, GS Phan Văn Trường có trích dẫn triết gia Socrates từ thời Hy Lạp cổ đại: “Tôi không phải là công dân của riêng thành phố Athens hay nước Hy Lạp, mà còn là một công dân toàn cầu".

Từ khi tư tưởng toàn cầu hóa (globalization) xuất hiện, ý tưởng về một công dân toàn cầu (global citizen) được phổ biến. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người đề cập đến khái niệm này.

Qua cuốn sách, vị giáo sư đã cố giải mã ADN của những công dân toàn cầu, sau đó đi sâu, nghiên cứu những kiểu người tiêu biểu qua nhiều thời đại. Cuối cùng, ông chọn cách chia sẻ về cuộc sống của những người mà ông từng gặp và cho rằng họ đang sống và làm việc như một công dân toàn cầu.

Những cá nhân ông đề cập đến trong cuốn sách không có điểm chung về mặt sắc tộc, giới tính, tuổi tác hay lĩnh vực làm việc. Họ có thể là một doanh nhân trẻ, một chú bé người Việt, một người phụ nữ Pháp gốc Việt, hoặc một doanh nhân vĩ đại người Mexico...

Qua cuốn sách, ta thấy những con người bé nhỏ cũng có thể là một công dân toàn cầu. “Làm công dân toàn cầu trước tiên phải là một công dân, trước khi nghĩ đến chuyện toàn cầu", GS Phan Văn Trường bày tỏ.

GS Phan Văn Trường cho rằng không có một hình mẫu duy nhất của công dân toàn cầu. "Có bao nhiêu công dân toàn cầu thì có bấy nhiêu mẫu người, tuy vẫn phải giữ cá tính ADN. [...] Nhưng nói tóm lại, mọi công dân toàn cầu đều sinh hoạt với một phong cách dựa vào lý trí, mang sự tích cực để phục vụ và là người bảo vệ địa cầu này một cách có hệ thống", tác giả khẳng định.

Cong dan toan cau anh 2

GS Phan Văn Trường mặc trang phục dân tộc trong buổi giao lưu với độc giả về chủ đề "công dân toàn cầu". Ảnh: NXB Trẻ.

Xây dựng một xã hội văn minh, nhân ái

Từ sự phổ biến của chủ nghĩa toàn cầu hóa, người ta tin rằng địa cầu giống như một mái nhà, nơi mỗi công dân đều là anh em một nhà. Một tinh thần giáo dục, một văn hóa chung của những người yêu địa cầu được chia sẻ với nhau, hướng tới sứ mệnh muốn để lại cho các thế hệ sau một hệ sinh thái hài hòa hơn, phong phú hơn, và mọi tài nguyên được tiết kiệm tối đa hoặc được sớm tái tạo.

Một công dân không thể đứng ngoài lề các hoạt động kinh tế trong xã hội. GS Phan Văn Trường tin rằng thế giới ngày nay không những cần phát triển mà còn bắt buộc phải tăng trưởng bằng bất cứ giá nào. Nếu kinh tế ngừng phát triển và sụp đổ, nhiều tai họa sẽ kéo tới.

Cong dan toan cau anh 3

Bạn trẻ tham dự tọa đàm về sách Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ. Ảnh: NXB Trẻ.

GS Phan Văn Trường khẳng định: "Vũ trụ đã tạo ra chúng ta để yêu thương, để biết yêu thương, để cho trọn tình yêu thương. Nội dung phải đi trước hình thức. Có chân dung của một con người quốc tế là chưa đủ, còn cần sự nhìn nhận tự thân rằng mình thuộc một cộng đồng con người mà vũ trụ đã tạo ra để mang một sứ mệnh, không ngừng xây dựng một xã hội văn minh hơn, nhân ái hơn, trong lành hơn".

Tác giả cho rằng chúng ta không cứ phải siêu việt, cần thông thạo nhiều ngoại ngữ, am hiểu nhiều nền văn hóa mới là công dân toàn cầu.

Ông viết quyển sách này cho mọi người, với niềm tin vào bước phát triển tất yếu của mỗi cá nhân trong tương lai để trở thành một công dân toàn cầu.

Bố dạy con thành công dân toàn cầu

Cuốn sách nêu những vấn đề đang đặt ra đối với việc nuôi dạy con trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Khát vọng thay đổi bản thân của giới trẻ

“Đừng bận mà vẫn nghèo”, “Tuổi trẻ không hối tiếc” hay “Từ trường học đến trường đời” mang đến bài học kinh nghiệm cho thế hệ trẻ về sự bứt phá, vươn lên trong cuộc sống.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm