Theo Tổ chức Nhân đạo Quốc tế (HSI), nhiều con chó được giải cứu vào tuần trước ở trong tình trạng sức khỏe tồi tệ. Một số khác cho thấy dấu hiệu là thú cưng bị trộm.
Các nhà hoạt động ban đầu hy vọng chính quyền thành phố Ngọc Lâm, khu tự trị Quảng Tây sẽ tịch thu những con chó này. Tuy nhiên, sau đó, họ đã quyết định sẽ tự giải cứu bầy chó khi giới chức không có ý định này.
“Chính quyền có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ai mà biết được những con chó này mang mầm bệnh gì khi chúng được bày bán trên thị trường thực phẩm”, nhà hoạt động giấu tên nói với South China Morning Post.
Những con chó hiện được chuyển đến một cơ sở tạm thời để nghỉ ngơi, phục hồi và chăm sóc sức khỏe trước khi đến một nơi tạm trú do HSI hỗ trợ.
Những con chó bị giết thịt được chở đến một quầy hàng tại khu chợ trong lễ hội thịt chó ở Ngọc Lâm năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Peter Li, chuyên gia chính sách của HSI, cho biết 68 con chó đã an toàn, nhưng hàng nghìn con chó khác ở Ngọc Lâm và hàng triệu con trên khắp Trung Quốc không may mắn như vậy.
“Nạn trộm chó và buôn bán, vận chuyển trái phép xuyên tỉnh và giết mổ vô nhân đạo không chỉ là hành động hành hạ động vật mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng, với khả năng lây lan bệnh dại và các bệnh khác. Đây là những lý do thuyết phục để các nhà chức trách Trung Quốc chấm dứt hoạt động buôn bán này một lần và mãi mãi”, ông nói.
Hàng năm, các nhà hoạt động Trung Quốc và quốc tế phối hợp để phản đối lễ hội ăn thịt chó truyền thống tại thành phố này.
Ông Li cho biết những người buôn bán chó đã tổ chức “lễ hội” Ngọc Lâm từ hơn một thập kỷ trước để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên chưa ai công nhận đây là một sự kiện chính thức. “Lễ hội” thường kéo dài 10 ngày trong tiết hạ chí, tức là vào ngày 21/6.
Có một khoảng thời gian, “lễ hội” này được giới thiệu như một cuộc tụ họp, trong đó người dân ăn thịt chó như một phần trong văn hóa truyền thống địa phương. Chính quyền tỉnh Quảng Tây phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong việc tổ chức lễ hội và gọi đây là “buổi tụ tập thông thường của công chúng trong ngày hạ chí”.
Những con chó bị giết thịt bày bán tại một quầy hàng trong lễ hội thịt chó ở Ngọc Lâm năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Áp lực trong nước và quốc tế về việc cấm văn hóa ăn thịt chó đã thu hút sự chú ý của công chúng vào sự kiện này trong những năm gần đây. Một cuộc khảo sát năm 2017 cho thấy 72% người dân thành phố Ngọc Lâm không thường xuyên ăn thịt chó.
Hơn nữa, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát - vốn được cho là xuất phát từ chợ tại thành phố Vũ Hán chuyên bán và giết thịt động vật hoang dã - đã đặt ra sự giám sát chặt chẽ đối với hoạt động tiêu thụ thịt từ các nguồn phi truyền thống.
Vào tháng 2/2020, chính quyền Trung Quốc đã cấm tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã để hạn chế việc lây truyền dịch bệnh từ động vật. Các thành phố như Thâm Quyến và Chu Hải đã tiến một bước xa hơn khi ban hành lệnh cấm ăn thịt chó mèo vào tháng 5/2020.
Tuy vậy trên toàn quốc vẫn chưa có lệnh cấm tiêu thụ thịt chó. Tục lệ này, mặc dù không phổ biến, vẫn xảy ra ở một số nơi trên khắp Trung Quốc. HSI ước tính 30 triệu con chó mỗi năm bị giết để lấy thịt trên khắp châu Á, khoảng 10-20 triệu con trong số đó là ở Trung Quốc.