Nhân dịp liên hoan cuối năm, Tuệ Chi (25 tuổi, TP.HCM) được giao trách nhiệm đặt bữa trưa cho cả phòng. Đã quen với các thao tác, cô nhanh chóng hoàn tất đặt hơn chục suất ăn qua ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, yên tâm món ăn sẽ kịp đến trước giờ nghỉ trưa. Nhưng 30 phút rồi 1 tiếng, đơn hàng của Tuệ Chi vẫn chưa được giao. Cầm điện thoại trên tay, cô không khỏi sốt ruột vì sợ làm lỡ bữa liên hoan của phòng.
Cùng lúc đó, ở một góc phố khác tại TP.HCM, anh Huy Hoàng - tài xế phụ trách giao đơn của chị Chi cũng đang “đứng ngồi không yên”. “Chạy đến quán, nhìn hàng dài shipper đang đứng chờ là tôi biết lần này phải đợi nửa tiếng luôn. Khách giục quá mà mình cũng bó tay, chỉ biết xin lỗi, nhờ chờ thêm một chút”, anh Hoàng nói.
Câu chuyện của người dùng như chị Chi và tình trạng shipper xếp hàng chờ tại các quán ăn có lẽ chẳng còn xa lạ. Không những thế, nhiều tình huống “dở khóc dở cười” khác cũng phát sinh. “Nhiều khi quán hết món hay đóng cửa mà không kịp cập nhật. Mấy anh tài xế không biết nên vẫn nhận đơn hàng, mất công đi đến nơi rồi lại phải hủy đơn”, chị Thùy Dung, một đối tác nhà hàng chia sẻ.
Để giải quyết những vấn đề đó, Gojek đã phát triển ứng dụng GoBiz dành riêng cho đối tác nhà hàng, quán ăn bên cạnh ứng dụng riêng dành cho các đối tác tài xế. Mục tiêu chính của GoBiz là giúp các nhà hàng chủ động trong việc quản lý đơn hàng, để toàn bộ quá trình vận hành liên quan đến việc đặt và giao nhận món ăn, cũng như sự tương tác giữa khách hàng, nhà hàng và tài xế diễn ra khoa học, hạn chế các thao tác thủ công khi quản lý đơn hàng.
Gojek đã phát triển ứng dụng GoBiz riêng cho đối tác nhà hàng, quán ăn. |
Cụ thể, chủ nhà hàng, quán ăn dựa vào tình hình món ăn tại cửa hàng có thể nhận hoặc từ chối đơn trực tiếp từ khách hàng qua ứng dụng này chỉ trong 3 phút, cũng như cập nhật ngay lập tức thực đơn, hình ảnh, giá tiền, tình trạng món ăn hay chỉnh sửa giờ mở cửa. Nhà hàng có thể tiến hành chuẩn bị đơn hàng ngay sau khi nhận đơn từ khách và trong khi chờ tài xế đến để nhận đơn hàng. Sự chủ động này giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi của các bác tài cũng như tăng trải nghiệm người dùng khi tình trạng món ăn luôn ở trạng thái cập nhật.
Anh Tài, chủ quán Bánh hỏi, bún thập cẩm (quận 3, TP.HCM) chia sẻ về trải nghiệm mới của mình với GoBiz: “Từ lúc bắt đầu xài GoBiz đến giờ tính ra cũng được vài tháng, mình thấy quán bán hàng năng suất hơn. Cái hay của ứng dụng là việc báo trước cho quán có đơn hàng đến, nên có thể tranh thủ làm trước món vào giờ cao điểm. Quán đỡ cập rập mà tài xế cũng không mất công chờ đợi, đỡ bị nhầm đơn”.
Còn anh Lộc, chủ quán ăn vặt Chè Thái trên đường Phạm Văn Đồng, Gò Vấp, TP. HCM thì ưng ý nhất tính năng xem chi tiết thông tin ghi chú của từng đơn hàng. “Nhận đơn qua tài xế nhiều khi hay bị nhầm, sót ghi chú của khách, có khi tam sao thất bản. Bán trà sữa mà nhầm mấy cái như vậy không ổn. GoBiz hiển thị rõ từng ghi chú của mỗi đơn, nhờ thế việc chuẩn bị món cũng tránh nhầm lẫn hơn. Thông tin tài xế còn được hiện rõ kèm đơn hàng, nên không còn tình trạng bị sót thanh toán”.
Mới được triển khai vào cuối năm 2020, GoBiz trở thành trợ thủ lý tưởng của nhiều đối tác nhà hàng, quán ăn trên Gojek.
Ông Phạm Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc phát triển kinh doanh GoFood của Gojek Việt Nam cho biết: “Gojek hướng đến không chỉ một, mà là 3 siêu ứng dụng: Dành cho người dùng, đối tác tài xế và đối tác nhà hàng. Nếu ví toàn bộ hệ sinh thái của Gojek là một tảng băng lớn, thì những ứng dụng hướng đến các các đối tác tài xế, quán ăn, nhà hàng là phần băng chìm bên dưới - tuy không nhìn thấy, nhưng giữ vai trò quan trọng. Hy vọng GoBiz sẽ mang lại cho người bán - từ các chuỗi nhà hàng đến những quán ăn nhỏ lẻ trên GoFood những cơ hội kinh doanh mới, thu hẹp khoảng cách về không gian và thời gian giữa các nhà hàng và khách hàng”.
Bình luận