Kinh phí nhập hàng ở nhiều tiệm tạp hóa có thể lên tới 100-200 triệu. Đây là khoản đầu tư không nhỏ với nhiều gia đình, bởi ít nhà phân phối sẵn sàng cho người bán ghi nợ, nhất là vào dịp cao điểm cuối năm. Đây cũng là nỗi lo của không ít tiệm tạp hóa khi lễ Tết cận kề.
Để giúp các tiệm tạp hóa giảm thiểu gánh nặng về vốn, VinShop - ứng dụng kết nối tiệm tạp hóa và nhà sản xuất - đã ra mắt chương trình ứng vốn dành cho đối tác. Theo đó, mỗi đối tác sẽ được VinShop cho ứng tối đa 70 triệu đồng để nhập hàng với lãi suất 0% tối đa 40 ngày. Trước đó, VinShop đã thu hút hơn 30.000 tiệm hóa gia nhập ứng dụng.
Chương trình ứng vốn từ VinShop giúp chủ tạp hóa giảm nỗi lo thiếu vốn nhập hàng Tết. |
“Chỉ cần vài thao tác qua ứng dụng điện thoại đã có thể tạm ứng được vốn. Đơn giản, gọn nhẹ như việc nhập hàng qua VinShop vậy”, cô Mai Tuyết, chủ một cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội chia sẻ.
TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng sáng kiến của VinShop là một đột phá của thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo bà, từ trước đến nay, không nhiều ngân hàng thiết kế các gói vay chuyên biệt dành cho hộ kinh doanh tạp hóa. Nếu có thì lãi suất thường khá cao và thủ tục vay vốn cũng phức tạp.
“Chương trình ứng vốn này sẽ hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ vượt khó hậu Covid-19, giúp các tiểu thương tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng kinh doanh một cách an toàn và bền vững”, TS Đinh Thị Mỹ Loan đánh giá.
Chương trình mới của VinShop là sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn One Mount Group (một thành viên của Vingroup) và Techcombank. Chương trình hỗ trợ vay vốn với lãi suất tới 40 ngày và được các đối tác tạp hóa đón nhận.
Theo chuyên gia Đinh Thị Mỹ Loan, với bước đi này, One Mount Group đã ghi tên mình vào danh sách những doanh nghiệp tiên phong trên thị trường bán lẻ châu Á.
Ở một số nước châu Á, giải pháp ứng vốn như của VinShop và Techcombank đã phát huy hiệu quả lớn. Tại Indonesia, một ứng dụng tương tự đã trở thành “bà đỡ” cho hàng trăm nghìn cửa hàng tạp hóa cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đóng góp hơn 60% trong 1.000 tỷ USD GDP của quốc gia vạn đảo nhưng các tiệm tạp hóa, doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như bị các tổ chức tín dụng bỏ quên, ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính chất lượng.
Tại Philippines, một ứng dụng đã cho phép các tiệm tạp hóa đặt mua tới 4.000 mặt hàng tiêu dùng với giá gốc trực tiếp từ nhà sản xuất. Các tiệm tạp hóa này còn được giao hàng chính hãng miễn phí ngay ngày hôm sau. Ứng dụng còn dành những khoản vay nhỏ cho các chủ tiệm tạp hóa để mở rộng kinh doanh.
Tương tự ở Ấn Độ, một ứng dụng đã giúp các cửa hàng bán lẻ truyền thống tích hợp công nghệ, tối ưu quy trình bán hàng và hỗ trợ tài chính. Nền tảng này đã kết nối hơn 50.000 đối tác cửa hàng và khoảng 800 triệu khách hàng thường xuyên.
VinShop được kỳ vọng tạo ra nhiều lợi ích cho thị trường bán lẻ truyền thống. |
Từ kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia Đinh Thị Mỹ Loan cũng cho rằng đây là một cơ hội lớn, đòi hỏi cả năng lực công nghệ và tiềm lực tài chính dài hơi của các bên tham gia. Theo tính toán, nếu toàn bộ 30.000 đối tác của VinShop tham gia ứng vốn với mức tối đa 70 triệu đồng/lần, tổng kinh phí hỗ trợ sẽ lên đến hơn 2.000 tỷ đồng.
Tại Việt Nam, việc hợp tác giữa One Mount Group cùng Techcombank hứa hẹn là sự đảm bảo vững chắc cho mô hình này. Theo Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, khi được tích hợp công nghệ và tiếp sức về tài chính, kênh truyền thống sẽ cộng hưởng cùng kênh hiện đại, trở thành hai gọng kìm đủ mạnh để cạnh tranh, giữ vững thị phần nội địa trước sự gia nhập của nhiều nhà bán lẻ ngoại.
“Không chỉ là mô hình tiên phong, VinShop còn mở ra triển vọng ‘vẽ lại chân dung’ của thị trường bán lẻ Việt Nam thời 4.0”, TS Đinh Thị Mỹ Loan nhấn mạnh.
Bình luận