VinShop là nền tảng giúp kết nối trực tiếp nhà sản xuất với các cửa hàng tạp hóa, hệ thống bán lẻ truyền thống tại Việt Nam. Trong khi đó, VinID là hệ sinh thái số có sẵn hơn 10 triệu khách hàng. Khi hai nền tảng này liên kết với nhau, khách hàng được trải nghiệm hình thức quẹt thẻ tích điểm, nhận ưu đãi, khuyến mãi, thanh toán không tiền mặt ngay tại các tiệm tạp hóa.
Thâm nhập thị trường theo cách "tất cả trong một"
Từ góc độ nhà sản xuất, bà Lê Thị Hoài Thương, Phó giám đốc phụ trách mảng kinh doanh nội địa - Công ty TNHH một thành viên Hồ Tiêu Việt nhận định, sự liên kết giữa VinID và VinShop mang đến cơ hội lớn với doanh nghiệp sản xuất từ cách làm “tất cả trong một"
“Doanh nghiệp được bắc cầu trực tiếp với hàng triệu tiệm tạp hóa vốn vẫn chiếm tới 70% thị phần bán lẻ. Cộng thêm đó, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận hàng triệu người đang dùng ứng dụng VinID”, bà Hoài Thương nhận định. Theo bà Thương, đây là cách làm mới, hứa hẹn mang đến hiệu quả cho doanh nghiệp.
Công ty Hồ Tiêu Việt đang có nhu cầu mở rộng thị trường qua kênh truyền thống, đặc biệt là các tiệm tạp hóa. Doanh nghiệp phải lập một nhóm nhân sự riêng để thực hiện, gồm cả việc tuyển thêm người để liên lạc với các tổng đại lý. Tuy nhiên, mỗi tổng đại lý chỉ nắm một số đại lý nhỏ lẻ theo khu vực. Muốn thâm nhập thị trường, doanh nghiệp như Hồ Tiêu Việt phải kết nối với nhiều tổng đại lý, đồng nghĩa nhà sản xuất sẽ vất vả với khâu quản lý rườm rà. Thêm nữa, mỗi tổng đại lý lại muốn một chính sách, chiết khấu khác nhau.
Nhiều nhà sản xuất muốn kết nối trực tiếp với kênh bán lẻ truyền thống như tiệm tạp hoá. |
Cũng chính vì làm việc qua nhiều cấp đại lý, doanh nghiệp sản xuất khó giám sát chặt chẽ về giá cả. Tình trạng cùng một món hàng, một nhà cung cấp nhưng mỗi nơi một giá và mức chênh khá cao vẫn đang xảy ra trong thực tế, khiến cả 3 bên nhà sản xuất - nhà bán lẻ - người dùng chịu thiệt.
Dưới góc nhìn một chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc VinShop ra đời, kết hợp với VinID giống như một sợi dây xâu chuỗi giữa nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người dùng. Theo ông, khi không phải gánh sức nặng từ nhiều khâu trung gian, sợi dây này trở nên thông suốt, giúp tín hiệu đi từ người dùng đến nhà cung cấp nhanh chóng.
Cũng theo PGS.TS Thịnh, trên thực tế, có nhiều nhà sản xuất rơi vào cảnh làm ra nhưng không biết bán như thế nào. Nguyên nhân nằm ở phản hồi từ người tiêu dùng không còn chính xác khi qua nhiều cấp đại lý. Hậu quả là đơn vị sản xuất có đánh giá sai lệch về thị trường, có thể dẫn đến làm ra nhiều sản phẩm, thừa cung.
Tham vọng tái định hình thị trường bán lẻ
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh định nghĩa cú bắt tay giữa VinShop và VinID là mô hình B2B2C (Business to business to customer) linh hoạt.
Đây là mô hình kinh doanh mới trên thị trường bán lẻ Việt, khác với cách làm truyền thống mà nhiều người vẫn biết là B2B (Business to business) - mô hình bán hàng trực tiếp giữa doanh nghiệp với nhau hoặc B2C (Business to Customer) - giao dịch đơn thuần giữa doanh nghiệp và đối tượng mua hàng cá nhân.
Có thể giải thích ngắn gọn, B2B2C là mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp đưa sản phẩm đến cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều đặc trưng ở cách làm của VinShop và VinID là doanh nghiệp xuất hiện trong mô hình trên gồm đầy đủ chuỗi giá trị, từ đơn vị sản xuất tới phân phối bán lẻ.
VinShop và VinID mang đến mô hình kinh doanh mới, linh hoạt cho thị trường bán lẻ. |
Tại Việt Nam, theo PGS.TS Thịnh, một số trang thương mại điện tử có xu hướng kết nối giữa doanh nghiệp và người dùng qua các gian hàng online. Tuy nhiên, bóng dáng của nhà sản xuất trong chuỗi này vẫn chưa được thể hiện rõ. Doanh nghiệp trong sự kết nối trên chỉ là "có sản phẩm" chứ không phải là "làm ra sản phẩm". Đó là điểm khác biệt với của mô hình của VinShop-VinID. Thực chất, chữ "B" (business) đầu tiên trong mô hình của VinShop và VinID cần được hiểu là manufacturer - nhà sản xuất.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét, mô hình kinh doanh này mang đến lợi ích lớn. Trước hết, doanh nghiệp có thể kết nối toàn bộ chuỗi sản xuất, tận dụng được sức mạnh của đối tác đa kênh. Thay vì chỉ tập trung bán hàng cho một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất có thể tăng tính kinh tế bằng cách khai thác cơ sở khách hàng của một doanh nghiệp khác.
"Doanh nghiệp từ đó có thể xây dựng được một hệ sinh thái đa dạng các đối tác, doanh nghiệp, gia tăng độ phủ thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và sự tín nhiệm của khách hàng", chuyên gia này đánh giá.
Chuyên gia thương hiệu Ngô Đức Hải, Giám đốc mảng chiến lược - thị trường Công ty Funzilla Việt Nam cũng tỏ ra tâm đắc với mô hình B2B2C này. Trên thế giới, xu hướng chuyển đổi sang mô hình như trên xuất hiện ở một số tên tuổi lớn như Alibaba, nhưng tại thị trường bán lẻ Việt Nam thì chưa phổ biến.
Theo ông Ngô Đức Hải, một phần quan trọng trong mô hình trên là "customer centric", có nghĩa lấy người dùng làm trung tâm để có những sản phẩm mới, trải nghiệm mới. Người dùng vẫn giữ nguyên cảm giác tiện lợi, gần gũi - điểm đặc trưng của các tiệm tạp hóa như trước. Mặt khác, họ được trải nghiệm thêm việc mua hàng giá tốt, chất lượng đảm bảo, có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, thanh toán không tiền mặt...
Ở góc độ thị trường chung, chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú đánh giá, thị phần bán lẻ phần lớn vẫn rơi vào hệ thống tạp hóa truyền thống. Theo ông, nếu biết tận dụng tối đa các lợi thế, biến hệ thống tạp hóa thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng mới, chuyên nghiệp, quy củ, mô hình này sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho thị trường bán lẻ.
Bình luận