2 cầu vượt chữ Y trị giá hơn 242 tỷ đồng được khánh thành đầu tháng 7 mang lại hy vọng giải cứu kẹt xe tại Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, sau một tháng, tình trạng kẹt xe tại đây vẫn nghiêm trọng, đòi hỏi TP.HCM cần giải bài toán tổng thể chứ không phải cục bộ.
Những ngày cuối tháng 8, khi kỳ nghỉ lễ Quốc khánh tới gần hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau "chết lặng" trong nhiều giờ tại các tuyến đường cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất như Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ.
Câu chuyện tắc đường vào Tân Sơn Nhất đã trở thành cơm bữa, nhưng những bữa cơm ngày càng “nặng bụng”.
Tài xế ôtô Trần Văn Linh bức xúc: "Ở đây ngày nào cũng kẹt xe dù là đầu tuần hay cuối tuần, dù mưa hay nắng. Tôi đi từ cầu vượt Hoàng Hoa Thám ra sân bay chỉ cách 1 km nhưng có hôm phải lò rò mất 1 tiếng đồng hồ mới tới nơi".
Không dấu được vẻ mệt mỏi khi phải chờ đợi vì kẹt xe dưới cái nắng oi ả, chị Hoàng Thúy Hằng (nhân viên văn phòng) cho biết chị thực sự ám ảnh khi ngày nào cũng phải 'bò' qua khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả vào khung giờ cao điểm. "Tôi đang tính phải chuyển việc chứ không thể đi làm qua tuyến đường này nữa", chị Hằng nói.
Báo cáo của Sở GTVT TP.HCM cho hay, từ đầu năm 2016 tới giữa năm 2017, tình hình kẹt xe tại thường xuyên xảy ra. Hiện tượng ùn ứ quanh khu vực Tân Sơn Nhất có dấu hiệu lan rộng từ đường Trường Sơn đến vòng xoay Lăng Cha Cả, đặc biệt vào khung giờ cao điểm 7-9h và 16-19h.
Kẹt xe nói chung và ùn tắc xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nói riêng không còn là chuyện riêng của TP.HCM.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng nói: “Ra sân bay Tân Sơn Nhất tắc đường, hành khách phải kéo hành lý chạy bộ vì sợ trễ máy bay thấy mà thê thảm. Bây giờ nó đã quá tải ngay trước mắt chúng ta. Thực tế từ trước Tết, Tân Sơn Nhất như một nỗi ám ảnh cho người đi máy bay”.
Làm việc với TP.HCM về vấn đề chống ùn tắc giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: “Việc kẹt xe ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân. Cùng với đó là sự lãng phí rất ghê gớm, ảnh hưởng cả đến môi trường đầu tư. Việc giải quyết kẹt xe thực sự rất cấp bách với thành phố đông dân nhất nước".
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm, sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 18 triệu lượt khách. Theo đó, mỗi ngày có hơn 22.000 lượt ôtô và khoảng 7.000 lượt xe máy ra vào sân bay, đi trên đường Trường Sơn.
Chưa kể lượng xe của hơn 10.000 nhân viên làm việc tại đây và lượng dân cư rất lớn lưu thông về khu vực này để qua các quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận... Bên cạnh đó, số lượng xe lưu thông “mượn” đường Trường Sơn từ Gò Vấp về Tân Bình hoặc ngược lại không vào sân bay Tân Sơn Nhất đang tăng lên rất cao.
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng thông tin trước đây đường Trường Sơn từ công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất chủ yếu chỉ phục vụ cho khách ra vào sân bay và một phần dân cư sống ở trong khu vực.
Nhiều năm gần đây, khi đường Phạm Văn Đồng được mở, người dân các quận Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận thường “mượn” đường Trường Sơn để lưu thông, biến tuyến đường này trở thành đường chính kết nối giao thông khu vực Gò Vấp với quận 1, Tân Bình.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam phân tích kẹt xe ở đường Trường Sơn mỗi khi xảy ra là "kẹt toàn đường" (trên hướng vào hoặc hướng ra), không phải chỉ ở giao lộ Trường Sơn - Hồng Hà/Bạch Đằng, nên một cây cầu vượt chỗ đó không thể giải quyết được.
Theo khảo sát của nhóm giảng viên Đại học Quốc tế, hiện có hơn 70% lượng xe hai bánh và 62% lượng xe bốn bánh lưu thông qua đường Trường Sơn nhưng không vào sân bay mà rẽ phải, đi đường Hồng Hà, ra vòng xoay Nguyễn Thái Sơn.
GS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định nguyên nhân chính của tình trạng kẹt xe ở sân bay Tân Sơn Nhất vào giờ cao điểm là do người dân đi qua đường Trường Sơn nhưng không có nhu cầu vào sân bay.
Ở một khía cạnh khác, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng lượng xe taxi trên tuyến đường Trường Sơn rất đông.
Ông Sanh dẫn chứng số lượng xe ra vào khu vực đường Trương Sơn gồm 6.000 xe gắn máy/giờ và 3.000 ôtô/giờ, trong đó có đến 50% là xe taxi. Như vậy có thể nói nguyên nhân gây kẹt xe nhiều là taxi quá đông. Bên cạnh đó, trên đường Trường Sơn có một bãi đậu xe taxi và có rất nhiều xe quay đầu ẩu gây kẹt xe.
Nhằm giảm kẹt xe khu vực này, UBND TP.HCM thường xuyên phối hợp với Bộ GTVT có nhiều cuộc họp, hội thảo với chuyên gia, nhà khoa học để đưa ra các giải pháp công trình, phi công trình giúp “giải cứu” tình hình kẹt xe ở đây.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, Sở GTVT TP.HCM sẽ triển khai 6 dự án kéo giảm ùn tắc các tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất với tổng vốn đầu tư hơn 1.380 tỷ đồng.
Sở GTVT TP.HCM cho rằng để giải tỏa áp lực cho đường Trường Sơn cần mở rộng các tuyến đường xung quanh sân bay như Hoàng Minh Giám, Trần Quốc Hoàn… Phó giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết khu vực sân bay kẹt xe sau khi có cầu vượt vì các nút giao thông không phải là nút giao hoàn chỉnh. Giải pháp chống kẹt xe trước mắt là điều chỉnh pha đèn tín hiệu của các hướng lưu thông đồng thời làm tuyến đường song song với đường Cộng Hòa…
Nhiều chuyên gia giao thông cùng chung quan điểm cần sớm mở rộng diện tích các tuyến đường và cổng vào sân bay để giảm áp lực lên đường Trường Sơn.
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng thành phố cần sớm làm đường vành đai sân bay, kết nối các tuyến đường chính Trường Sơn, Quang Trung, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Trỗi nhằm tránh giao cắt với các tuyến đường dẫn vào sân bay.
Như vậy mới hạn chế được việc người dân đi qua đường Trường Sơn nhưng không có mục đích vào sân bay giảm, hạn chế ùn tắc ở khu vực được xem là tuyến đường độc đạo ra vào sân bay hiện nay.
Ông cũng nhấn mạnh cần sớm nghiên cứu, triển khai mở thêm cổng từ hướng Quang Trung, Tân Sơn vào sân bay để giảm áp lực cho đường Trường Sơn.
“Phía bắc sân bay ở khu đường Quang Trung, Tân Sơn nếu có thêm cổng vào sân bay thì quá thuận lợi khi kết nối giao thông từ quốc lộ 1A các tỉnh miền Tây và miền Đông. Lúc đó lưu lượng xe từ phía này sẽ giảm áp lực lớn cho các nút thắt Lăng Cha Cả và vòng xoay Nguyễn Thái Sơn”, ông Sơn nói.
Đồng tình với ý kiến này, tiến sĩ Lương Hoài Nam đưa ra giải pháp nâng tổng số “cổng” vào sân bay từ 2 (đường Trường Sơn và cặp đường Hồng Hà - Bạch Đằng) lên 6 “cổng” liên thông, sẽ giải quyết một cách căn bản cả vấn đề quá tải nhà ga và quá tải giao thông ra vào sân bay.
Hiến kế “giải cứu” kẹt xe khu vực sân bay, GS Hồ Thanh Phong (Đại học Quốc gia TP.HCM) đề xuất mở đường Nguyễn Kiệm và Hoàng Văn Thụ thành hai chiều, nhằm giảm lượng xe từ đường Nguyễn Kiệm vào nội thành đi thông qua đường Bạch Đằng và giảm lượng xe đi từ đường Hoàng Văn Thụ thông qua đường Trần Quốc Hoàn ra đường Cộng Hòa.
Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đề nghị Sở GTVT sớm giải tỏa dải phân cách cây xanh trên đường Trần Quốc Hoàn (đoạn từ Phan Thúc Duyện đến Lăng Cha Cả) để tăng diện tích lưu thông xe.
Đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cũng đề nghị CSGT tăng cường công tác điều tiết ở các nút thắt như vòng xoay Lăng Cha Cả - Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi, Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, đường Trường Sơn.
Về giải pháp trước mắt, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, cho biết Sở sẽ rà soát lại công tác phối hợp liên ngành, cơ chế phát hiện, xử lý sớm sự cố, tai nạn trên đường để khắc phục nhanh hơn, hạn chế ùn tắc dây chuyền quanh sân bay Tân Sơn Nhất khi có va quẹt giao thông hay xe chết máy.
Đồng thời các lực lượng liên quan như Khu quản lý giao thông đô thị số 1, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Phòng CSGT, các đội cảnh sát giao thông Tân Sơn Nhất, cảnh sát giao thông quận Tân Bình, Phú Nhuận và Gò Vấp cử ngay lực lượng ra giải quyết.
Lãnh đạo Sở GTVT cũng giao đơn vị chịu trách nhiệm quản lý 6 camera lắp đặt ở khu vực các tuyến đường gần sân bay phải tăng cường quan sát và thông tin ngay tình hình giao thông khi có dấu hiệu kẹt xe.
Tiến hành điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông ở nút giao thông Lăng Cha Cả và sẽ lắp đèn tín hiệu tự động để điều chỉnh thời gian chu kỳ đèn phù hợp tùy lượng xe trên đường.
Sở GTVT cũng sẽ rà soát, mở rộng các khúc cua ở các giao lộ, tuyến đường giao cắt với đường Trường Sơn để giúp xe máy lưu thông nhanh hơn.
Về phương án công trình, ông Bùi Xuân Cường cho biết vừa kiến nghị Bộ GTVT về việc sớm bàn giao đất quốc phòng để triển khai mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, mở đường nối Phan Thúc Duyện ra Hoàng Hoa Thám trong khu quân đội (song song với đường Cộng Hòa) và giai đoạn 2 dự án cầu vượt nút giao vòng xoay Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm – Hoàng Minh Giám.
Hiện các công trình khác như mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, Trường Chinh, Hoàng Minh Giám, Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa đang triển khai nhanh giai đoạn giải phóng mặt bằng, sớm thi công dự án.
Hai dự án cầu vượt ngã sáu Gò Vấp và hầm chui An Sương cũng giúp giảm áp lực giao thông từ xa cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Để giải quyết triệt để tình trạng kẹt xe ở khu vực Lăng Cha Cả và đường Trường Sơn, Sở GTVT cho hay sẽ mở rộng nút giao khu Lăng Cha Cả và đường song song nối Phan Thúc Duyện ra Trường Chinh (đường song song Cộng Hòa).
Bên cạnh đó, đơn vị này sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng các tuyến đường quận Gò Vấp để giải quyết triệt để tình trạng lượng xe "mượn" đường Trường Sơn từ quận Gò Vấp đi về trung tâm TP và ngược lại.
Các dự án được thúc đẩy là mở rộng đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, hoàn thành cầu vượt nút giao ngã sáu Gò Vấp, mở rộng đường Nguyễn Kiệm, hoàn thành dự án nâng cấp đường Phạm Văn Bạch và sớm triển khai tuyến metro số 4.
Chuyên gia giao thông, TS Lương Hoài Nam cho rằng cầu vượt ở bùng binh ngã sáu Nguyễn Thái Sơn phát huy được hiệu quả vì nó phục vụ cho giao thông đô thị là chính, ít liên quan đến sân bay. Nhưng cầu vượt trên đường Trường Sơn trước các nhà ga T1, T2 hiện hữu không giúp được gì nhiều.
Theo ông Nam, để giảm kẹt xe trên đường Trường Sơn, chỉ có cách là "nhặt bớt" xe cộ ra khỏi đường này. Về logic, nên hạn chế đối tượng "đi ngang qua" nhưng trên thực tế không dễ, vì tất cả các tuyến đường đi vòng qua sân bay ở cả hướng Tân Bình (Phổ Quang, Đào Duy Anh, Hồ Văn Huê, Nguyễn Kiệm) và hướng Gò Vấp (Quang Trung, Tân Sơn, Phạm Văn Bạch, Phan Huy Ích nối sang trục đường Trường Chinh) đều nhỏ và cũng thường xuyên bị kẹt xe, khó mở rộng vì phải giải toả nhiều dân.
Do vậy, buộc phải hạn chế sự gia tăng các đối tượng ra vào các nhà ga hiện hữu và làm việc ở khu vực này. Bên cạnh đó, cần sớm xây thêm nhà ga mới và mở đường kết nối đủ mạnh với nhà ga mới ở vị trí khác để giảm tải cho cả các nhà ga hiện tại và đường Trường Sơn.
Hiến kế giải tỏa kẹt xe khu vực Tân Sơn Nhất
Ngày 7/11, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo "Giải pháp giải tỏa ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất" với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia giao thông, hạ tầng đô thị để cùng bàn về giải pháp giải tỏa kẹt xe khu vực Tân Sơn Nhất.