Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải bài toán chuyển đổi số lĩnh vực y tế tại Việt Nam

Để quá trình chuyển đổi số ngành y Việt Nam thành công, sự hợp tác là nhu cầu tất yếu và bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp trong ngành.

Tại Việt Nam, công nghệ y tế còn là lĩnh vực non trẻ nhưng nhiều tiềm năng. Việc làm sao để công nghệ cùng y tế có thể tạo ra những thay đổi tích cực cho toàn ngành vẫn là bài toán khó. Để tìm ra lời giải, các doanh nghiệp làm công nghệ y tế cần hợp tác trên hành trình chuyển đổi số này.

Thách thức lớn

Khó khăn lớn nhất trong việc chuyển đổi số ngành y là lĩnh vực này đòi hỏi chuyên môn cũng như độ chính xác cao. Y tế còn liên quan trực tiếp sức khỏe và tính mạng con người. Đầu năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tạo ra bước ngoặt trong nhận thức của cộng đồng và giới chuyên môn về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động khám, chữa bệnh, cũng như lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe người dân.

Lĩnh vực công nghệ y tế tại Việt Nam còn vấp phải một số thách thức như cơ sở hạ tầng thiếu thốn, chính sách đầu tư chưa cụ thể… Đặc biệt, việc phải thay đổi thói quen khám, chữa bệnh của hàng triệu người, chuyển từ giấy, bút sang máy tính, điện thoại là trở ngại lớn.

Sẵn sàng vượt qua những thách thức đó, khát khao thúc đẩy chuyển đổi số ngành y là tinh thần "Làng Công nghệ Y tế" mang tới Ngày hội Đổi mới Sáng tạo Quốc gia - Techfest Vietnam 2020.

VMED anh 1

Các đại diện "Làng Công nghệ Y tế" đem đến Techfest Vietnam 2020 tinh thần sẵn sàng vượt qua thách thức.

“Ngôi làng” đặc biệt này tạo ra hệ sinh thái, cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ y tế kết nối nguồn lực tài chính và tìm đối tác phát triển. Đây cũng là nơi để họ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, cũng như tìm kiếm, thử nghiệm và thực hiện những ý tưởng ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán số hóa ngành y.

Ông Ngô Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc VMED Group - Trưởng làng Công nghệ Y tế, nhận định: “Đang có khoảng cách rất lớn giữa các nhà công nghệ và nhu cầu của ngành y tế. Do đó, chúng tôi đặt mục tiêu kết nối ngành y tế với giới công nghệ, qua đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân”.

VMED anh 2

Ông Ngô Thanh Sơn chia sẻ về mục tiêu tại hội thảo.

Tìm đúng đường để tiên phong

Trải qua đại dịch, ngành y tế tỏ rõ mong muốn tối giản và hiện đại hoá quy trình tiếp nhận cũng như điều trị bệnh nhân. Trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2020, đại diện Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế), cũng cho biết bộ đang lên kế hoạch triển khai bệnh viện “3 không”: Không xếp hàng, không hồ sơ giấy, không thanh toán bằng tiền mặt.

Nhu cầu khám, chữa bệnh từ xa, hội chẩn trực tuyến cũng được thể hiện rất rõ trong những giai đoạn chống dịch vừa qua. Xác định được nhu cầu này, với vai trò Trưởng làng Công nghệ Y tế, VMED Group mong muốn tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa “5 nhà”: Nhà nước, nhà trường, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng. Qua đó, những ý tưởng sáng tạo hay dự án đổi mới sẽ có cơ hội ứng dụng vào thực tiễn, góp phần chuyển đổi số ngành y và tạo ra một hệ sinh thái phát triển bền vững theo xu hướng của thế giới.

VMED anh 3

Khách mời thảo luận về mối liên kết “5 nhà” và cơ hội của các start-up trong lĩnh vực y tế số.

Ngoài ra, ông Nguyễn Francis Tuấn Anh - Cố vấn cấp cao về công nghệ và giải pháp của VMED Group, thành viên hội đồng cố vấn chuyên môn Làng Công nghệ Y tế - nhấn mạnh: “Chúng ta cần có một nền tảng kết nối các doanh nghiệp với chính sách, chuyên gia, nhà đầu tư và nguồn lực, nhằm phát triển lĩnh vực công nghệ y tế”.

Từ nhu cầu đó, Medtech Tribe đã ra đời. Đây là nền tảng kết nối, xây dựng cộng đồng, thúc đẩy phát triển các ý tưởng đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong công nghệ y tế tại Việt Nam. Medtech Tribe còn tạo môi trường để các startup tiếp cận trực tiếp với nhà đầu tư trong nước và quốc tế, cũng như giới chuyên môn và Chính phủ. Đây cũng sẽ là không gian để các hội viên hợp tác, cùng nhau làm việc và học tập.

“Với mạng lưới các nhà đầu tư lớn từ Mỹ, Nhật, Israel…, cùng mối quan hệ với các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, quản lý y tế, tài chính quản trị y tế, chúng tôi tiếp tục kết nối các startup với nhà đầu tư, chuyên gia trong nước và quốc tế”, ông Ngô Thanh Sơn chia sẻ.

VMED anh 4

Các diễn giả, chuyên gia cùng đại diện các doanh nghiệp công nghệ y tế trong và ngoài nước cùng thảo luận.

Chuỗi hoạt động của "Làng Công nghệ Y tế" tại Techfest Vietnam 2020 đã góp phần khẳng định ứng dụng công nghệ trong y tế là xu thế tất yếu. Đặt cho mình sứ mệnh kết nối “vì một cộng đồng khỏe mạnh và hạnh phúc hơn”, VMED Group mong muốn cùng các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực công nghệ y tế nắm bắt đúng nhu cầu và tầm nhìn của ngành y Việt Nam, từ đó tìm cách khai thác những tiềm năng lớn ở lĩnh vực này.

Diệp Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm