Đề án tái cơ cấu vận tải hàng không Việt Nam đến năm 2020 đang được Cục Hàng không đưa ra lấy ý kiến.
Dù có nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng nhưng thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng với mức tăng trưởng mỗi năm 2 con số trong bối cảnh thị trường toàn cầu suy giảm.
Đầu tư đội máy bay hùng hậu
Chiếc máy bay thứ 5 (dòng A321 do Airbus sản xuất) thuộc đơn hàng thuê và mua 100 máy bay của VietJet vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối tuần qua. Chiếc máy bay trên thuộc thế hệ mới nhất của dòng máy bay thân hẹp, được thiết kế 220 chỗ ngồi và sản xuất theo tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải và tiếng ồn tới mức thấp nhất. Đội bay của VietJet đã cán mốc 23 chiếc chỉ sau 3 năm chính thức hoạt động, với 28 đường bay trong nước và quốc tế. Theo lộ trình phát triển, mỗi năm hãng sẽ nhận thêm 6-12 máy bay nhằm mở rộng các đường bay quốc tế.
Hồi đầu tháng 3, chiếc máy bay A350 XWB đầu tiên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đã rời xưởng sơn của Airbus ở Pháp với hình ảnh đặc trưng là màu xanh và bông sen vàng. Chiếc máy bay này đang trong giai đoạn hoàn thiện để tiến hành các thử nghiệm trên mặt đất rồi bay thử.
Theo kế hoạch, máy bay A350 XWB sẽ về đến Việt Nam vào giữa năm. Vietnam Airlines là hãng hàng không thứ hai trên thế giới đầu tư máy bay A350 XWB và trở thành hãng đầu tiên tiếp nhận cùng lúc 2 loại máy bay thế hệ mới Boeing 787 và Airbus A350.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng sẽ thay toàn bộ máy bay thân rộng gồm 33 chiếc, trong đó có 19 Boeing 787 và 14 Airbus A350, được chuyển giao trong hơn 3 năm tính từ giữa 2015. Các dòng máy bay này sẽ được sử dụng trên những đường bay dài, xuyên lục địa và giúp Vietnam Airlines khai thác điểm đến mới ở châu Âu, Bắc Mỹ.
Chiếc máy bay A350 XWB đầu tiên của Vietnam Airlines vừa rời xưởng sơn của Airbus ở Pháp. |
Jetstar Pacific cũng có kế hoạch phát triển đội máy bay đến năm 2016 với khoảng 15 chiếc và hiện đang có 10 chiếc dòng Airbus A320/A321 phục vụ hành khách. Tổng giám đốc Jetstar Pacific Lê Hồng Hà cho biết định hướng của hãng là tăng thêm 2-3 chiếc mỗi năm, phù hợp với mức tăng trưởng hơn 10% của thị trường.
“Chiến lược phát triển của hãng phải phù hợp với công ty mẹ là Vietnam Airlines để không phá vỡ mặt bằng cạnh tranh. Nếu đầu tư quá nhiều máy bay, vượt nhu cầu thị trường đồng nghĩa hãng có nguy cơ phải giảm giá mạnh để kéo khách từ các loại hình vận tải khác. Mức tăng trưởng 15%-20% mỗi năm của hãng là phù hợp”, ông Hà nói.
Tiến ra nước ngoài
Theo Cục Hàng không Việt Nam, dù bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh tế nhưng thị trường hàng không trong nước giai đoạn 2009-2014 vẫn tăng trưởng bình quân 13,9% về hành khách. Đến cuối năm 2014, có 45 hãng hàng không nước ngoài thuộc 25 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác đi/đến Việt Nam với 83 đường bay từ 47 điểm tới Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng.
Giữa tháng 3/2015, Vietnam Airlines đã đại hội cổ đông lần đầu tiên sau khi cổ phần hóa thành công, phấn đấu trở thành hãng hàng không hàng đầu khu vực. Chiến lược của Vietnam Airlines từ nay đến năm 2018 ngoài giữ vai trò chủ đạo trong giao thông hàng không nội địa, còn đặt mục tiêu giữ vị thế chi phối tại khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Chỉ riêng năm nay, hãng dự kiến đầu tư gần 23.000 tỷ đồng để mua các máy bay hiện đại.
“Việc ưu tiên phát triển đội máy bay sở hữu đã tạo tiền đề cơ bản cho sự tăng trưởng bằng nội lực của chính doanh nghiệp, góp phần đưa các hãng hàng không phát triển vững chắc và hiệu quả. Với tỉ trọng máy bay sở hữu đạt hơn 50% sẽ giúp Vietnam Airlines tăng trưởng bằng nội lực, nâng cao vị thế của hãng hàng không quốc gia tại khu vực Đông Nam Á” - lãnh đạo Cục Hàng không kỳ vọng.
Trong bối cảnh thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt và số lượng mạng đường bay gần như phủ kín các điểm đến, hướng ra quốc tế là chiến lược cần thiết của các hãng hàng không để mở rộng hoạt động. Theo ông Lê Hồng Hà, “tiến ra nước ngoài” là chiến lược ưu tiên của hãng trong thời gian tới. Nhờ lợi thế nằm trong mạng lưới của Jetstar Group nên các hoạt động quảng bá, xúc tiến thị trường sẽ thuận lợi hơn.
Với VietJet, nhiều ý kiến cho rằng hãng đang tăng “nóng” khi chỉ trong 3 năm đã có đội máy bay lên tới 23 chiếc và hợp đồng 100 chiếc thuê, mua với Airbus. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Tổng Giám đốc VietJet Nguyễn Đức Tâm cho rằng có thể bên ngoài nhìn vào nói VietJet tăng trưởng “nóng” nhưng với hãng, thời điểm này là ổn định và có những bước đi phù hợp với kế hoạch đã đề ra.
Nhiều tiềm năng
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng hàng không nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới với 24 sân bay thương mại đang hoạt động, trong đó có 9 sân bay quốc tế.
Quá trình cổ phần hóa các sân bay và công ty thuộc nhà nước trong lĩnh vực hàng không đang được đẩy mạnh, tạo cơ chế và môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài.
“Sự phát triển nhanh chóng của hãng hàng không tư nhân VietJet thời gian qua là kết quả của những chính sách mở cửa, cải cách của Chính phủ Việt Nam”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhận xét.