Một thập kỷ qua ông đã tự nguyện làm cái việc nghĩa cử cao đẹp là lăn lộn khắp các chiến trường Nam Bắc tìm đồng đội bằng những đồng tiền túi tự bỏ ra.
Giấc mơ kỳ lạ của triệu phú gà Yên Thế
Thời chiến tranh, ông Đức là bộ đội đặc công từng chiến đấu ở khắp các chiến trường trong Nam, ngoài Bắc. Đi qua bom đạn chiến tranh và may mắn ông không bị ảnh hưởng gì. Hòa bình lập lại, ông Đức làm giảng viên trong Trường sĩ quan 600. Những năm 80, vợ trẻ, con thơ lại trông chờ vào những đồng lương ít ỏi nên ông đã xin phục viên về làm kinh tế. Ngày đó, trong khu vườn của mình, ông trồng vải trên, ở dưới nuôi gà. Nhà cửa quanh năm sum suê hoa trái. Từ chỗ vài trăm con, ông đã nuôi đến 2000 con gà mỗi lứa. Tiếng lành đồn xa, người dân đất Yên Thế cũng học theo ông nuôi gà, và thương hiệu gà đồi Yên Thế gắn với tên tuổi người cựu chiến binh Cao Việt Đức ra đời từ đó.
Hài cốt liệt sĩ Trần Đình Vụ được phát hiện và quy tập tại biên giới Việt - Lào cách đây 1 năm. |
Chẳng mấy chốc, ông Đức trở thành triệu phú. Ông tiên phong xây nhà mái bằng, dùng điện thoại đầu tiên ở Yên Thế. Thế nhưng năm 2004 ông bị chứng mất ngủ triền miên. Tưởng bị bệnh ông đã đi viện nọ, viện kia khám, dùng đủ loại thuốc mà không khỏi. Trong cơn mê man những kí ức chiến tranh lại hiện về. Nơi ấy - cửa khẩu Xa Mát - tháng 6/1977 trong một trận chiến đấu ác liệt 17 đồng đội của ông đã ngã xuống. Ông nhủ mình: "Chắc mấy đứa đó chưa được về với gia đình nên về báo mộng cho mình rồi".
"Đầu tháng 4/2004, tôi nhét hành lý vào trong tải cám lợn nói với vợ con là về quê ở Vĩnh Phúc chơi vài hôm cho khuây khỏa đầu óc. Tôi mang theo 10 triệu đồng, đi xuống thành phố Bắc Giang, gửi xe nhà người quen rồi lên tàu vào TP.HCM, sau đó đi Tây Ninh", ông Đức kể.
Đến nơi ông ngỡ ngàng dấu tích chiến tranh chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là một màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng cao su. Địa danh Bến Sỏi, Châu Thành, Tây Ninh là nơi an táng 17 đồng đội giờ đã thay đổi nhiều, ông không còn nhận ra. Tìm kiếm, hỏi han cuối cùng ông cũng biết đồng đội mình đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành (Tây Ninh). "Ở nghĩa trang Châu Thành tôi thấy những thằng Điển, thằng Toán, Lạc, Lục… đúng cả họ tên, quê quán, năm sinh, ngày hy sinh. Nhưng tìm mãi chỉ có 12 người, còn 5 người chắc vẫn đang nằm nơi rừng hoang lạnh lẽo", ông Đức thở dài.
Ông Cao Việt Đức nghiên cứu hồ sơ liệt sĩ. |
Đợt ấy ông đưa mộ những đồng đội về với gia đình, đồng thời cũng ghi lại toàn bộ mộ liệt sĩ ở miền Bắc. Sau đó ông đã gửi khoảng 4.000 lá thư bảo đảm đến Ban thường vụ cựu chiến binh ở cấp xã/huyện thông tin cho thân nhân liệt sĩ. Và cũng bắt đầu từ đó duyên nợ tìm mộ liệt sĩ đến với ông. Theo ông thì đến nay phần lớn mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Châu Thành đã được ông giúp đưa về quê nhà
Duyên nợ tìm mộ liệt sĩ từ những ký hiệu
Gọi điện cho ông Đức nhiều lần nhưng lần nào cũng thấy ông nói khi đang ở A Lưới, lúc ở nghĩa trang Việt Lào, lúc đang dọc biên giới Campuchia, khi lại ở đỉnh Chà Tùng, Xa Mát… Rất may một lần không hẹn đột ngột đến nhà thì được gặp ông và cả một vụ tìm mộ mới nhất ông vừa giúp gia đình đưa về. Đó là liệt sĩ Lê Minh Hiến ở Đồng Lạc, Yên Thế, Bắc Giang.
Từ những thông tin gia đình cung cấp, chỉ trong 2 tháng ông Đức đã lần ra được nơi chôn liệt sĩ Hiến và hoàn thành mọi thủ tục đưa về nhà. Mẹ Việt Nam Anh Hùng Trịnh Thị Tít khóc trong niềm vui sướng vì hài cốt người con trai đã được đưa về quê nhà, dù nhiều lần trước đây gia đình tổ chức tìm kiếm nhưng vẫn không có manh mối nào của Hiến lẫn người anh tên Hiền.
"Năm ngoái, gia đình tôi cùng với một anh bộ đội từng chôn Hiền đã đào 50m rừng cao su ở Bố Lá, Bình Dương nhưng không thấy xác. Giờ không biết con đang ở nơi đâu. Tôi nhớ lá thư cuối cùng nó gửi về nói "Đợt này con đi Pathet Lào. Chuẩn bị tinh thần trước khi ra trận, bọn con đổi một áo cổ lọ và một mũ cối lấy một con gà cho 7 người ăn", cụ Tít cho biết.
Cụ Tít có 2 đời chồng đều hy sinh trong chiến tranh. Đau đớn chồng chất đớn đau khi những năm 1974 người phụ nữ này lần lượt nhận được giấy báo tử của hai con Lê Minh Hiền và Lê Minh Hiến. Hai anh em tòng quân từ năm 16-17 tuổi và ngã xuống khi tuổi đời chưa đến đôi mươi. Cụ Tít cố vượt lên nỗi đau để nuôi những người con còn lại. Trước khi nhắm mắt cụ chỉ có mong mỏi duy nhất là tìm được hài cốt hai con về quê nhà. May mắn giờ đã tìm được 1 người và ông Đức hứa sẽ tìm hộ người còn lại.
Rất nhiều trường hợp khó hơn, ông Đức cũng đã giúp đưa về quê nhà như trường hợp liệt sĩ Nguyễn Lập Lễ. Trong giấy báo tử của ông Lễ ghi DMT (diện mất tích) nhưng ông Đức phán đoán thực tế ông Lễ không mất tích. Nguyên nhân do giấy báo tử ghi ông mất năm 1964 nhưng gia đình nói lại năm 1972 ông Lễ còn gửi thư về khoe lập được chiến công xuất sắc, được phong Dũng sĩ diệt Mỹ.
"Trước khi đi bộ đội, gia đình ông Lễ ở Trực Ninh, Nam Định. Sau ông đi bộ đội, gia đình cũng sơ tán lên vùng Hà Sơn Bình (Hòa Bình ngày nay). Lúc ông hy sinh, đương nhiên đơn vị sẽ gửi giấy báo tử về quê gốc Nam Định. Nhưng gia đình này không biết lại lên tỉnh Hà Sơn Bình đòi giấy báo tử. Cái vô lý là tỉnh Hà Sơn Bình lại cấp giấy báo tử cho để tiện làm chính sách", ông Đức phán đoán.
Tìm hài cốt liệt sĩ Lê Minh Hiến ở nghĩa trang Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Long An. |
Từ những manh mối trên, ông Đức đã làm việc với đơn vị cuối cùng ông Lễ chiến đấu thì được biết ông bị thương nặng, phải điều trị ở một khu cứu thương trên đỉnh núi Chà Tùng (Quảng Ngãi). Kiểm tra sổ sách, phân tích địa hình thì xác định được nơi chôn ông Nguyễn Lập Lễ nằm ở một bãi đất phẳng men theo con đường mòn lên đỉnh Chà Tùng. Quả nhiên, mộ ông nằm sau một tảng đá. Hay như trường hợp gia đình em trai liệt sĩ Vũ Như Linh ở Nga Sơn, Thanh Hóa. Trước đó vợ chồng người em trai đã nhiều lần đi tìm hài cốt anh nhưng không thấy. Nghe tin ông Đức giải mã được mộ nên cũng mang giấy báo tử đến. Lần theo những tung tích trên giấy báo tử xác định nơi chôn cất thuộc dãy cao điểm Cao Mun, đường bình độ 700 và có cả tọa độ đi kèm.
"Dù vậy vẫn rất khó xác định vị trí chôn cụ thể. Lần đó phải nhờ sở Lâm nghiệp Quảng Ngãi điều cho một kĩ sư quản lý vùng rừng Cao Mun mang theo máy định vị toàn cầu mới xác định được địa điểm mộ nằm ở khu 3 nhà. Gia đình đào rộng bằng giường, sâu 80cm nhưng không thấy gì. Lúc đó em trai liệt sĩ buồn bực, cầm xà beng chọc vào giữa thì một khúc xương văng lên. Ông ấy reo lên: Anh đây rồi", ông Đức kể.
Giải mã những ký hiệu
Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng đêm nào ông Đức cũng thức đến 2h sáng nghiên cứu hồ sơ liệt sĩ. Căn phòng làm việc nhỏ, ngập mùi thuốc lá, trên tường treo một bức ảnh bác Hồ, một lá cờ tổ quốc, ở một góc trong phòng là bộ quân phục người lính, một bản đồ hình chữ S ghi rất chi tiết các tỉnh, thành, cũng như thông tin liên lạc hầu hết các Ban thông tin liên lạc tìm người thân ở 64 tỉnh thành. Cái giá treo tường có vô số dạng tài liệu được ông phân loại thành từng mục.
Ông Cao Việt Đức nói: "Giấy báo tử với tôi như một lá bài để tìm được mộ. Bởi vì trên giấy báo tử thường sẽ có kí hiệu hoặc mã hiệu đơn vị cuối cùng người chiến sĩ hy sinh. Trong đó ký hiệu là các con chữ, mã hiệu là các con số và thường được ngụy trang để đánh lạc hướng của địch".
Để có thể nắm bắt được các kí hiệu, mã hiệu, ông Đức đã mất khoảng 3 năm đi bất cứ đơn vị nào ông cũng hỏi về kí hiệu cũng như địa điểm hoạt động trong từng thời kỳ chiến tranh. Ví như lúc đến Quân đoàn 4 thì biết mã ký hiệu thường xuyên của quân đoàn là KT, P2 có một số là B2. Làm việc với Quân khu 7 thì mã ký hiệu cơ bản là KB, trong đó có NB, P2 chỉ có Sư đoàn 5. Giải mã kí hiệu đã khó, mã hiệu càng khó hơn. Thời gian đầu ông luôn trăn trở rằng 7658, 8132, 2012, 2013, 7961, 8181, 6118... là gì?, ở đâu? Phải hiểu được chiến tranh, phải tổng hợp được giai đoạn chuyển quân của các đơn vị, các yếu tố tìm mộ liệt sĩ theo đường hồ sơ, hiểu được chiến tranh trong bình diện rộng, có đầu óc nghiên cứu chắp nhặt thông tin tất cả các chiến trường trong toàn quân, định hình được chuyển quân và địa điểm đóng quân, nhiệm vụ của các đơn vị là gì: pháo binh, công binh, đặc công, thủy thủ tàu không số... thì ông mới giải mã được những con số đó, tìm được mộ.
Am hiểu chiến tranh và có óc phán đoán, nhất là có tâm huyết với đồng đội, ông Đức không chỉ giúp các gia đình nhờ tìm mà còn chủ động chuyển thông tin phần mộ đến với thân nhân liệt sĩ. Gần 10 năm qua, ông tách biệt mình khỏi công việc gia đình, ít ăn, ít ngủ để dồn toàn tâm sức mang hài cốt đồng đội về với người thân. Hiện ông đã mang được hơn 500 mộ liệt sĩ về nhà và đang giải quyết cho cả nghìn trường hợp khác.