Khi thì ông ở biên giới Việt Lào, lúc lại ở biên giới Tây Nam... Mãi hôm vừa rồi, sau những đợt mưa bão triền miên, ông mới chịu trở về. Ông là Cao Việt Đức, cựu chiến binh xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. 10 năm qua, ông đi suốt dọc dài đất nước, về lại các chiến trường xưa tìm mộ liệt sĩ.
Giấc mơ định mệnh
Nhà ông Đức nằm trên một ngọn đồi, quanh năm sum sê hoa trái. Đến tận gia đình tôi mới hay, ông là một trong những nông dân sản xuất giỏi được tỉnh Bắc Giang và Hội Nông dân Việt Nam vinh danh nhiều lần. Ông chính là người đầu tiên làm nên thương hiệu gà đồi Yên Thế hiện nay.
Ông Cao Việt Đức, nguyên là sĩ quan Đặc công. Ông nhập ngũ năm 1973, tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Năm 1984, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Đức xin phục viên. Từ một sĩ quan, ông trở về với ruộng đồng. Bằng sự hăng say lao động, ông đã biến khu đồi trọc hoang hóa, bạc màu thành đồi cây ăn quả. Chỉ sau 10 năm làm kinh tế, ông Đức đã có một cơ ngơi khang trang.
Năm 2004 - một năm bội thu của gia đình ông. Nhưng vào thời điểm này, ông Đức mắc chứng bệnh mất ngủ triền miên. Lúc đầu, ông nghĩ, mình bị một di chứng nào đó do chiến tranh để lại. Ông giấu vợ con đến bệnh viện khám nhưng không tìm ra bệnh. Điều lạ là mỗi khi chợp mắt, trận đánh tại cửa khẩu Sa-mát tháng 6/1977 lại hiện về. Hình ảnh 17 đồng đội hy sinh trong trận này cứ hiện lên trong tâm trí và thôi thúc ông đi tìm.
Một ngày tháng 4, ông lấy 10 triệu đồng tiết kiệm, gấp thêm vài bộ quần áo. Sáng hôm sau, khi gà vừa gáy sáng, ông nói dối vợ con về quê, nhưng thực tế, ông đi Hà Nội, lên tàu vào TP.HCM. Từ thành phố, ông bắt xe đò đi Tây Ninh rồi tìm đường về chiến trường năm xưa.
Bao năm trôi qua, dấu tích chiến tranh đã lùi vào ký ức, những hố bom, ụ súng không còn nữa, thay vào đó là những vùng quê trù phú, ngút ngàn màu xanh. Địa danh Bến Sỏi, Châu Thành, Tây Ninh là nơi an táng 17 liệt sĩ giờ đã thay đổi nhiều, ông không còn nhận ra. Ông vội hỏi bà con về những phần mộ liệt sĩ thì mới hay, cách đây không lâu, đã có đội quy tập đưa về nghĩa trang, nhưng hỏi nghĩa trang nào thì không ai biết.
Ông Đức đi thẳng lên UBND xã. Các đồng chí ở đây cho hay, nhiều khả năng, các liệt sĩ đã được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành. Ông lại ngược về huyện đội. Đồng chí trợ lý chính sách đưa ông xem danh sách quy tập mộ liệt sĩ. Lật trang đầu tiên. Ông giật mình thốt lên: Đây rồi! Điển, Toán, Lạc, Lục… các đồng chí đây rồi.
Đi giữa những hàng mộ thẳng tắp trong Nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành, ông Đức nhón chân thật nhẹ nhàng. Bỗng ông sững lại… họ tên, quê quán, năm sinh, ngày hy sinh… Ông Đức khụy xuống, ôm lấy từng liệt sĩ, gọi tên họ mà khóc…
Xác nhận được 12 đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành. Vậy là còn 5 đồng chí nữa vẫn nằm lại nơi rừng hoang lạnh lẽo, nghĩ đến đây, lòng ông thắt lại... Không lâu sau, các liệt sĩ được trở về bên người thân nhờ thông tin từ ông Đức.
Giải mã các ký hiệu
Sau khi tìm được 12 phần mộ liệt sĩ hy sinh trong trận chiến đấu tại cửa khẩu Sa-mát, ông Đức nhận ra một điều, còn quá nhiều liệt sĩ đang nằm lại đâu đó trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều gia đình mong mỏi tìm được người thân. Nghĩ vậy, ông quyết định tìm mộ liệt sĩ bằng việc giải mã các ký hiệu đơn vị.
Ký hiệu BM1 là ở đâu? PM2, P1, P2, P3, P4 nằm ở vùng chiến trường nào? KH nằm ở đơn vị nào là chủ yếu?… Đó là những câu hỏi thường trực ông Đức luôn đặt ra, rồi tìm hiểu và từng bước giải mã chúng.
Ông Đức trân trọng nâng niu một hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy. |
Phải mất hơn 3 năm, ông Đức mới nắm được cơ bản hệ thống các ký hiệu đơn vị, từ đó giải mã một cách khoa học, cụ thể. Ông tập hợp các ký hiệu của quân khu, quân chủng, quân đoàn và các đơn vị đóng thành từng quyển. Khi phát hiện và giải mã được những ký hiệu mới, ông lại tiếp tục bổ sung.
Ông Đức giải thích: KH là ký hiệu quân tham gia chiến trường Bình-Trị-Thiên, từ Quảng Bình đến Huế. Nhưng KH lại nằm trong các lực lượng: Sư đoàn 324 bộ binh, Sư đoàn 320B tham gia ở chiến trường KH, Sư đoàn 304 cũng có đơn vị KH, Đoàn 559 cũng có đơn vị ký hiệu KH. Tóm lại, các đơn vị tham gia trên địa bàn KH thì đều có ký hiệu KH. Công việc giải mã các ký hiệu rất phức tạp, mất nhiều thời gian và công sức, nếu không có sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, của các quân, binh chủng trong toàn quân thì khó có thể thực hiện được.
Khi nhận được thông tin của gia đình liệt sĩ nhờ tìm mộ, bao giờ ông Đức cũng hỏi: Giấy báo tử, nếu chưa có lên tỉnh đội xin đầy đủ rồi đọc cho ông mã ký hiệu đơn vị, ông sẽ nhận định ban đầu rồi gửi thư đến các đơn vị có ký hiệu theo giấy báo tử.
Sau khi nhận được hồ sơ, các đơn vị gửi cho ông toàn bộ xác nhận, trích lục, lưu trữ về liệt sĩ và sơ đồ mộ chí (nếu có). Căn cứ vào thông tin mà đơn vị cung cấp, ông Đức biết được nơi hy sinh và nơi an táng ban đầu của liệt sĩ ở ấp nào, xã nào, tỉnh nào, sau đó tiến hành tìm mộ (vòng 2). Từ đây, ông Đức gửi công văn, hồ sơ vào nơi an táng ban đầu để kết hợp với các lực lượng như: Đội quy tập, cơ quan quân sự cấp huyện, cấp tỉnh, các cơ quan quản lý phần mộ của địa phương, các cựu chiến binh những tình nguyện viên đi tìm đồng đội… để tiến hành rà soát, kiểm tra.
Quá trình giải mã các ký hiệu, ông Đức phát hiện ra một điều: Nhiều liệt sĩ khi đơn vị báo tử đã ghi sai hoặc nhầm ký hiệu đơn vị. Những trường hợp này mất khá nhiều thời gian mới có thể tìm ra đơn vị của liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh. Chẳng hạn, khi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Hồng Minh, quê Lục Nam, Bắc Giang. Trong giấy báo tử ghi là thượng sĩ, tiểu đội trưởng, đơn vị thuộc KB, hy sinh ngày 12/12/1973. Ngày 30/10/1975, tỉnh đội mới báo tử cho gia đình. Thông tin từ đồng đội, đồng chí Nguyễn Hồng Minh bị thương, vào bệnh viện 301, 302 ở Gia Lai để điều trị. Từ thông tin này, ông Đức làm việc với Bộ CHQS tỉnh Gia Lai và nhận được thông báo: Không có bệnh viện 301, 302 nên trường hợp Nguyễn Hồng Minh không tham gia chiến đấu ở Gia Lai. Một thời gian sau, gia đình lại cho biết, có mấy đồng đội nói, đồng chí Minh hy sinh ở Tây Sơn, Bình Định. Ông Đức gửi hồ sơ về Bộ CHQS tỉnh Bình Định nhưng cũng nhận được câu trả lời không có.
Cuối cùng, ông gửi hồ sơ cho Sư đoàn 3 vì nhận định rằng: Địa bàn Quảng Ngãi, Quảng Nam từ năm 1967 đến 1975 cơ bản có 3 sư đoàn: Sư đoàn 2 (Gia Lai), Sư đoàn 3 (Quân khu 1) và Sư đoàn 350 huấn luyện lực lượng ở Hải Phòng đưa vào bổ sung. Ngoài ra còn mấy trung đoàn của đặc công và mấy tiểu đoàn pháo binh. Chắc chắn liệt sĩ Minh chiến đấu tại Sư đoàn 3, và ký hiệu KB là sai. Khi ông gửi hồ sơ về Sư đoàn 3, đơn vị đã tìm thấy hồ sơ lưu trữ, có 5 người hy sinh cùng liệt sĩ Minh, an táng ở Hoài Hảo, Hoài Nhơn, Bình Định. Căn cứ vào lưu trữ của Sư đoàn 3, ông tiến hành tìm mộ liệt sĩ tại khu vực này.
Quá trình tìm mộ liệt sĩ, ông Đức đã phát hiện được nhiều ngôi mộ tập thể, điển hình là khi đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Đức Thuận, ông đã phát hiện ra 13 liệt sĩ khác cùng hy sinh ngày 13/7/1969 tại A Bia, an táng tại đồi A Rum, tây Thừa Thiên - Huế. Hay khi tìm mộ liệt sĩ Bùi Mạnh Kha (Quảng Ninh), ông đã tìm ra 28 mộ liệt sĩ khác…
Cụ Dương Chinh Tường, 86 tuổi, quê Thiệu Hóa, Thanh Hóa đã vô cùng xúc động khi tìm được mộ con trai mình là liệt sĩ Dương Xuân Hỷ. Ông nói với chúng tôi: "Gia đình đã nhờ nhiều nơi nhưng mãi đến khi gặp được ông Cao Việt Đức tận tình giúp đỡ mới tìm được phần mộ". Câu chuyện tìm mộ liệt sĩ Dương Xuân Hỷ phải mất hai năm nhọc nhằn gian khổ, nhưng cũng từ đây đã phát hiện ra chuyện tình của liệt sĩ Hỷ với cô gái tên Lan người Quảng Ngãi vô cùng lãng mạn, trong sáng và thánh thiện.
Hơn 10.000 bức thư
Suốt 10 năm qua, thông qua hồ sơ và giải mã các ký hiệu đơn vị, ông Cao Việt Đức đã tìm được 441 mộ liệt sĩ, đưa họ trở về bên người thân, gia đình. Ông cũng đã gửi hơn 10.000 bức thư cho các gia đình, địa phương thông tin về phần mộ liệt sĩ khi ông đi qua các nghĩa trang trên toàn quốc.
Căn phòng trên gác 2 khoảng 10m2 là nơi làm việc của ông. Trên tường chính giữa căn phòng, ông Đức treo trang trọng tấm ảnh Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc. Bên dưới là hai tấm bản đồ, một tấm ông vẽ bằng tay, một tấm bản đồ địa hình do Việt Nam sản xuất. Ông đánh dấu chằng chịt những địa danh đã đi qua, những phần mộ tìm thấy và khoanh vùng những chiến trường ác liệt, nơi đó còn hàng nghìn đồng đội vẫn nằm trong lòng đất. Hàng trăm hồ sơ tìm mộ liệt sĩ được ông sắp đặt gọn gàng, phân loại cụ thể, trường hợp nào đã gửi đi, trường hợp nào đã nhận được trả lời nhưng cần thẩm định thêm.
Mỗi ngày, ông Đức nhận được từ 3 đến 5 lá thư của các gia đình liệt sĩ gửi về nhờ ông tìm phần mộ con em mình. Nhận được thư, ông nhanh chóng hồi âm và gửi hồ sơ theo "đường thư" đến các đơn vị chờ xác nhận. Nhà cách bưu điện khoảng 3km, chiều nào ông cũng phóng xe ra gửi thư đúng giờ. Những chi phí này, ông đều bỏ tiền túi ra làm. Mới đây, thấy ông làm nhiều việc nghĩa, Hội Cựu chiến binh xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế đã hỗ trợ ông tiền photo hồ sơ và tiền tem thư, chi trả một lần vào cuối năm.
Ông Đức nói rằng: Vì việc đức, việc nghĩa, ông không mưu lợi cho cá nhân, mà chỉ tâm huyết đi tìm đồng đội. Nếu như có một cá nhân, doanh nghiệp hoặc là "Mạnh Thường Quân" nào đó đứng ra tài trợ việc cất bốc, đưa đón hài cốt liệt sĩ thì sẽ rất thuận lợi cho việc tìm một liệt sĩ và chắc chắn số lượng mộ liệt sĩ được tìm thấy sẽ tăng lên rất nhiều.