Theo New York Times, sau nhiều tháng leo thang, giá xăng tại Mỹ bắt đầu đảo chiều và giảm dần. Đáng chú ý, đây vốn là mặt hàng chủ đạo kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 vọt lên 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xăng đã giảm 28 ngày liên tiếp, quãng thời gian dài nhất kể từ đầu năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 gây tê liệt nền kinh tế và giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Theo các nhà phân tích, so với một tháng trước, người dân Mỹ đang chi ít hơn 140 triệu USD cho xăng mỗi ngày. Giá xăng trung bình trên cả nước hiện ở mức 4,63 USD/gallon, giảm hơn 0,38 USD so với một tháng trước.
Tuần trước, giá xăng tại các bang dẫn đầu về kinh tế như Texas, Ohio, Illinois và California đều giảm mạnh tối thiểu 0,16 USD.
Giá dầu thế giới đang được giao dịch quanh mốc 100 USD/thùng. Ảnh: New York Times. |
Khó mở rộng nguồn cung
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định xu hướng này có thể dễ dàng bị đảo ngược. Trước tình hình nguồn cung toàn cầu eo hẹp và lượng tồn kho tăng chậm, chính phủ Mỹ vẫn phải dựa vào kho dự trữ dầu chiến lược.
Giá nhiên liệu đắt đỏ tại các trạm xăng vẫn đè nặng lên tâm lý của người dùng. Chúng có vai trò quan trọng với các gia đình thu nhập thấp, những người sử dụng phương tiện cũ, kém hiệu quả hay thường xuyên di chuyển xa.
“Luôn tồn tại nỗi sợ giá cả tiếp tục gia tăng nhưng không bao giờ giảm. Nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi đáng kể”, bà Melanie Wilson-Lawson, giáo sư khoa học sức khỏe tại Houston, cho biết việc giá xăng giảm đã giúp bà giảm bớt nỗi lo tài chính.
Đồng thời, bà hy vọng chuyến thăm đến Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể thúc đẩy giới sản xuất dầu tăng nguồn cung và hạ giá. Dẫu vậy, sản lượng của các quốc gia như Saudi Arabia trong thời gian tới vẫn là một dấu hỏi.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất ở một số quốc gia, đặc biệt là Libya, còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi yếu tố chính trị.
Nhiên liệu tác động đến giá cả của hầu hết hàng hóa, điển hình là thực phẩm. Lợi nhuận của người nông dân, công ty xây dựng hay hãng hàng không đều phụ thuộc phần lớn vào chi phí nhiên liệu.
So với tháng trước, giá dầu diesel trung bình đã giảm 0,16 USD xuống còn 5,61 USD/gallon. Giá dầu diesel đã giảm 3% trong khi xăng giảm 7%. Giá nhiên liệu máy bay bán buôn, vốn không bị áp thuế, cũng giảm khoảng 11% so với 24% của xăng bán buôn.
Một trong những lý do khiến giá dầu diesel tại Mỹ giảm chậm xuất phát từ hoạt động xuất khẩu sang châu Âu. Kể từ khi thị trường dầu diesel toàn cầu thắt chặt, lượng nhập khẩu vào Mỹ đã giảm xuống mức nhỏ giọt.
Giá dầu đã giảm mạnh thời gian qua trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới xuất hiện dấu hiệu chậm lại.
Tuy nhiên, việc phương Tây tiếp tục thắt chặt các lệnh trừng phạt Nga có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến kho dự trữ toàn cầu. Mặt khác, quốc gia này vẫn tìm được đầu ra đối với dầu thô cho những đối tác tại Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Nam Mỹ.
Giá xăng tăng cao thay đổi hành vi tiêu thụ của nhiều người dân Mỹ. Ảnh: Al Jiazeera. |
Giá xăng giảm chỉ là tạm thời
Ông Patrick De Haan - nhà phân tích xăng dầu tại GasBuddy - cho rằng xu hướng hạ nhiệt của giá xăng có thể tiếp tục trong tuần tới miễn sao giá dầu không tăng quá 105 USD/thùng.
“Chúng ta chưa thoát khỏi tình trạng này hoàn toàn. Vẫn có nguy cơ giá xăng tăng đột biến và đẩy lên kỷ lục mới trong tháng 8 nếu như có bất kỳ sự gián đoạn nào xảy ra. Mọi thứ sẽ rất hỗn loạn, nhưng hiện tại giá xăng tại các máy bơm sẽ tiếp tục hạ nhiệt”, ông Haan nhận định.
Sự biến động của giá xăng thường theo sau giá dầu khoảng một tuần. Dầu thô cần được chế biến và tinh chế trước khi chuyển đến các trạm xăng.
Trong năm nay, giá dầu Brent từng chạm đỉnh gần 140 USD/thùng ngay sau thời điểm chiến sự Ukraine nổ ra. Tương tự, dầu WTI cũng chạm tới 130 USD/thùng. Vào đầu năm, cả hai loại dầu đều được giao dịch dưới 80 USD/thùng.
Các kho dự trữ đang được bổ sung thêm nhờ nhu cầu tiêu thụ suy giảm. Điều này giúp thị trường hạ nhiệt giữa bối cảnh toàn cầu đầy bất ổn
Báo cáo của Citigroup
Công ty phân tích ESAI Energy dự đoán thặng dư toàn cầu đạt 4 triệu thùng/ngày trong khi thị trường tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng/ngày trong quý II. Tuy nhiên, lượng thặng dư còn bao hàm số thùng dầu giải phóng từ kho dự trữ chiến lược của một số quốc gia.
Những đợt xả dầu dự trữ rồi cũng sẽ kết thúc và cần được bổ sung trong tương lai. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ phục hồi ngay cả khi dự trữ của quốc gia này đang ở mức cao.
Sản lượng dầu tiếp tục tăng ở Mỹ nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch. Các công ty dầu mỏ tỏ ra cẩn trọng trong quá trình khai thác, một phần do lo ngại giá dầu sẽ giảm đột ngột và kéo lợi nhuận xuống thấp.
Ông Tom Kloza - Trưởng bộ phận phân tích năng lượng của Oil Price - cho biết việc cung vượt cầu đang giúp giá xăng giảm nhanh. Song, một sự gián đoạn nhỏ cũng có thể phá hỏng tình hình hiện tại.
Một báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy nhu cầu xăng dầu những tuần gần đây đã giảm 1,35 triệu thùng/ngày, tương đương 10%. Cùng với đó, việc tồn kho xăng tiếp tục tăng thêm 5,8% trong tuần trước sẽ giúp giá xăng tiếp tục giảm thời gian tới.