Đáng chú ý, trong những đợt điều chỉnh giá xăng dầu gần đây, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã có mức giá bán, thời gian giảm giá bán khác nhau.
Theo một thành viên Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, điều này rất đáng chú ý, và nó có thể là những tín hiệu cho thấy bắt đầu có cạnh tranh trên thị trường.
“Nhưng để thị trường có những cạnh tranh thực sự, để giá xăng dầu bán lẻ được hình thành qua cạnh tranh, có lợi cho người tiêu dùng thì cũng cần phải theo dõi thêm, có những chính sách thúc đẩy cạnh tranh từ cơ quan nhà nước, như tạo điều kiện, mở cửa cho nhiều doanh nghiệp khác tham gia thị trường này…”, ông này nói.
Có doanh nghiệp giảm thấp hơn 100 đồng/lít
Cụ thể, theo số liệu tổng hợp về giá chào bán, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu của các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối trong hai đợt điều chỉnh giá xăng dầu gần đây, mức giá giảm của một số doanh nghiệp đã có sự khác nhau.
Cụ thể, trong đợt giảm giá xăng dầu bán lẻ trong nước ngày 4.8.2015, giá bán lẻ xăng dầu định hướng do liên Bộ Công Thương - Tài chính quy định với xăng RON 92 là không quá 19.304 đồng/lít.
Trong khi một số doanh nghiệp khác có giảm giá thấp hơn mức giá định hướng trên, nhưng không đáng kể: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng mức 19.300 đồng/lít, Công ty Cổ phần Thương mại - Tư vấn đầu tư xây dựng Bách Khoa Việt áp dụng mức giá 19.302 đồng/lít thì Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà giảm hẳn 100 đồng/lít, còn mức giá 19.200 đồng/lít. Với xăng E5, thời điểm đó, công ty này cũng giảm so với giá xăng dầu định hướng 19 đồng/lít…
Petrolimex tuy không giảm nhiều so với giá bán định hướng nhưng lại bán giá xăng dầu với mức giá mới sớm hơn 30 phút so với các công ty khác.
Cụ thể, vào ngày 4/8, liên bộ quy định việc áp dụng giá bán mới không được muộn hơn 15 giờ chiều cùng ngày. Nhưng Petrolimex đã áp dụng mức giá bán mới từ 14 giờ 30.
Với việc áp dụng giá bán sớm hơn như vậy khiến cho các tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu cho Petrolimex được mua với giá thấp hơn các doanh nghiệp khác, có lợi hơn và cũng giúp Petrolimex xả hàng nhanh hơn các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối khác.
Trong đợt giảm giá xăng dầu gần nhất (ngày 19/8/2015), mặc dù không có doanh nghiệp nào giảm giá tới 100 đồng như đợt trước, nhưng đã có nhiều doanh nghiệp giảm giá bán nhiều hơn so với giá bán xăng dầu định hướng.
Cụ thể, giá xăng RON 92 định hướng thời điểm đó là không được cao hơn 18.536 đồng/lít nhưng Petrolimex bán thấp hơn chỉ 6 đồng/lít, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà bán thấp hơn 16 đồng/lít, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng và Công ty TNHH Thương mại Công Minh bán thấp hơn 36 đồng/lít… Công ty TNHH Công Minh cũng áp dụng giá bán xăng E5 thấp hơn giá trần 41 đồng/lít. Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Long Hưng cũng có chào giá dầu diesel thấp hơn 21 đồng/lít so vối giá định hướng.
Những điều chỉnh khác nhau về giá, thời điểm áp dụng giá mới của các doanh nghiệp xăng dầu là có, và là dấu hiệu cho thấy có sự cạnh tranh. |
Thời điểm áp dụng giá bán cũng đa dạng hơn: Công ty TNHH Thương mại Công Minh áp dụng giá bán mới sớm hơn 10 phút so với qui định còn Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Long Hưng bán sớm hơn 15 phút.
Mới chỉ để… tròn số?
Theo một chuyên gia ngành công thương, trước hai đợt giảm giá xăng dầu trên, hầu như không có sự chênh lệch về giá xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối với giá bán xăng dầu định hướng mà liên bộ quy định.
“Những điều chỉnh giảm khác nhau của một số công ty xăng dầu gần đây hay việc áp dụng thời điểm điều chỉnh giá khác nhau, dù mức điều chỉnh thấp nhưng cũng cho thấy, thị trường bắt đầu có sự cạnh tranh nhất định giữa các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối”, chuyên gia này nói.
Tuy nhiên, theo vị này, mức giảm giá 100 đồng so với các công ty khác của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà hay việc áp dụng giá mới sớm hơn 30 phút của Petrolimex trong đợt giảm giá xăng dầu ngày 4/8 là những mức điều chỉnh “rất đáng kể”, đặt các doanh nghiệp khác ở vào thế phải tính toán, cạnh tranh hơn để có thể xả hàng sớm, giảm lỗ vì thế cho đến lần điều chỉnh gần nhất, đã có nhiều doanh nghiệp có mức giá khác nhau hơn, với thời điểm điều chỉnh đa dạng hơn.
Bà Lê Thị Lan, chủ một tổng đại lý của Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ ở khu vực các tỉnh phía Nam mặc dù cho rằng, những điều chỉnh khác nhau về giá, thời điểm áp dụng giá mới của các doanh nghiệp xăng dầu là có, và là dấu hiệu cho thấy có sự cạnh tranh, tuy cạnh tranh qua giá giữa các doanh nghiệp này chưa phải là lớn.
“Theo tôi, chủ yếu hiện nay cạnh tranh là qua việc chi trả tỷ lệ hoa hồng cho các tổng đại lý, đại lý chứ giá thì chưa đáng kể. Nếu một công ty giảm 100 đồng so với các công ty khác thì cũng đáng kể nhưng số đó quá ít. Còn thì, các mức giá giảm chỉ 40-50 đồng trở xuống, theo tôi là các doanh nghiệp vẫn chủ yếu áp theo mức của Petrolimex để làm tròn số thôi. Vì trước nay, đại đa số các doanh nghiệp vẫn nhìn theo giá của Petrolimex để làm giá bán cho mình”, bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, về thời điểm điều chỉnh giá, mặc dù đó là một yếu tố đáng lưu ý vì chênh nhau thời điểm điều chỉnh từ 30 phút trở lên có thể là cả vấn đề nhưng nếu chỉ 10-20 phút thì có khi chỉ là vấn đề kỹ thuật.
“Phải thấy rằng, ở các tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu, mỗi cơ sở có vài chục cây xăng chẳng hạn, thì không phải ở cây nào cũng có người được biết và được quyền điều chỉnh giá. Mỗi cây cách nhau vài chục km thì khi có lệnh thay giá mới thì có người phải đi từ cây này sang cây kia để thay đổi mã”.
“Theo tôi, giữa báo cáo về giá cả và thực tế điều chỉnh giá ở cây xăng là rất khác nhau. Ngay cả như Petrolimex, nói là áp dụng giá sớm hơn 30 phút so với giờ mà liên bộ quy định nhưng chưa chắc là đúng giờ đó, ở các đại lý, xây xăng của Petrolimex người ta đã thực hiện được ngay đâu. Có khi chốt sổ 14h30 đấy nhưng có khi cây xăng vẫn bán giá cũ chứ chưa hề bán giá mới. Kinh doanh xăng dầu có rất nhiều thủ thuật, quan trọng là ở dưới làm thế nào thôi”, bà Lan nói.