Đây là thông tin được lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (OIL) chia sẻ tại hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2022 diễn ra mới đây.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, tổng sản lượng kinh doanh xăng dầu của PV Oil đã đạt 875.000 m3/tấn, vượt 5,2% so với kế hoạch quý và đạt 26,3% kế hoạch năm.
Sản lượng tăng nhẹ trong khi giá bán lẻ tăng cao giúp doanh thu hợp nhất của tổng công ty đạt 17.800 tỷ đồng, vượt 58,2% kế hoạch quý và hoàn thành 39,6% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất PV Oil thu về được trong giai đoạn này cũng là 295 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với kế hoạch quý và hoàn thành gần 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm. So với cùng kỳ năm trước, mức lợi nhuận nhà bán lẻ xăng dầu này ghi nhận được trong quý I vừa qua cũng tăng hơn 54%.
Đây đồng thời là mức lợi nhuận cao nhất mà PV Oil ghi nhận được trong một quý kinh doanh từ khi nhà bán lẻ xăng dầu này niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
KẾT QUẢ LỢI NHUẬN HÀNG QUÝ CỦA PV OIL | ||||||||||
Nguồn: BCTC DN; Tổng hợp | ||||||||||
Nhãn | Quý I/2020 | II | III | IV | Quý I/2021 | II | III | IV | Quý I/2022 | |
Lợi nhuận sau thuế | -538 | 183 | -17 | 190 | 191 | 272 | 57 | 254 | 295 |
PV Oil cho biết kết quả kinh doanh kể trên diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường xăng dầu trong và ngoài nước có nhiều biến động.
Theo đó, tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine, cùng các lệnh trừng phạt khiến nguồn cung dầu bị thiếu hụt dẫn đến giá leo thang. Trong khi đó, nguồn hàng thiếu hụt do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất và nguồn hàng nhập khẩu chỉ về cuối tháng 2 đã dẫn đến các đầu mối hạn chế bán hàng, chiết khấu thị trường xuống rất thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả kênh bán lẻ.
Tuy nhiên, nhờ các giải pháp điều hành kinh doanh hợp lý và tận dụng tốt cơ hội thị trường, PV Oil vẫn hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh quý I.
Từ cuối năm 2021 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 9 kỳ điều chỉnh giá, trong đó có 6 kỳ tăng liên tiếp đầu năm, đưa giá xăng trong nước lên mức cao kỷ lục 28.985 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và 29.820 đồng/lít với xăng RON 95, cao hơn gần 30% so với cuối năm 2021.
Dù đã giảm liên tục trong 3 kỳ điều chỉnh gần nhất, giá xăng dầu trong nước hiện vẫn phổ biến cao hơn 17-20% so với đầu năm.
Trên thị trường, PV Oil hiện là nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 trong nước với khoảng 22,5% thị phần (xếp sau Petrolimex với 50% thị phần).
Giá xăng dầu trong nước tăng cao là nguyên nhân chính giúp PV Oil và các nhà bán lẻ xăng dầu khác lãi đậm trong quý I/2022. Ảnh: T.L. |
Năm nay, tổng công ty này đặt mục tiêu sản lượng đại lý xuất khẩu/bán dầu thô (bao gồm nhập khẩu dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất) đạt 10,334 triệu tấn, tăng 7% so với năm trước. Tương tự, số sản xuất xăng dầu, dầu mỡ nhờn là 484.000 m3/tấn và kinh doanh xăng dầu là 3,15 triệu tấn.
Với các chỉ tiêu này, PV Oil dự kiến ghi nhận 45.000 tỷ đồng doanh thu và 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 23% và 48% so với năm 2021.
Lý do khiến ban lãnh đạo công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm nay ở mức thấp là do cuộc xung đột Nga-Ukraine, kéo theo các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh đã làm rối loạn thị trường tài chính, các chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ đứt gãy và rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Giá năng lượng từ đó cũng tăng vọt và biến động mạnh theo diễn biến của cuộc chiến, dẫn tới nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho năm tài chính 2022.
Trong nước, dịch bệnh và biến động giá dầu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế. Trong khi đó, nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng chưa thực sự ổn định dự kiến gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của tổng công ty.