Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá vé bay nối chuyến dịp Tết đắt đỏ

Vé chặng bay thẳng khan hiếm buộc nhiều hành khách phải chọn hình thức bay nối chuyến (1-2 điểm dừng) với thời gian chờ đợi có thể lên tới 18 giờ.

Để phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán, Cục Hàng không Việt Nam đã cấp thêm tổng số slot là 150 chuyến/ngày, trong đó các khung giờ tối muộn và đêm là 98 chuyến/ngày. Với số lượng slot được xác nhận bổ sung này, các hãng hàng không Việt Nam sẽ tăng cung ứng và mở bán thêm trên các đường bay nội địa thêm cả chục nghìn vé mỗi ngày.

Tuy nhiên vé Tết trong giai đoạn 15/1-26/1 (24 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) vẫn đang neo ở mức cao đến rất cao.

Khan hiếm vé bay thẳng

Cụ thể, giá vé chặng TP.HCM - Hà Nội thấp nhất là 4,9 triệu đồng với chuyến bay đêm của Vietjet. Vietravel Airline có các chuyến bay với giá 5,5 triệu đồng trong khi giá vé của Bamboo là 5,9 triệu đồng. Nếu bay với Vietnam Airlines, giá vé dao động từ 6,5 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng.

Chặng TP.HCM - Đà Nẵng có giá từ 4,6 đến 5,3 triệu đồng ở tất cả hãng bao gồm Vietnam Airlines, Vietravel Airlines, Vietjet và Bamboo.

Điểm “nóng" nhất trong mùa cao điểm thuộc về các địa phương như Quảng Nam, Vinh, Thanh Hóa … vì nhu cầu về thăm người thân, gia đình tăng vọt.

ve may bay,  dat do,  khan hiem anh 1

Các chuyến bay từ TP.HCM về Vinh của Vietnam Airlines chỉ còn vé hạng thương gia.

Trong kế hoạch tăng khai thác vào các khung giờ tối muộn và đêm (từ 20h đến 4h sáng) đến 12 cảng hàng không địa phương, sân bay Vinh và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã được tăng lần lượt 35 và 34 chuyến bay. Con số này được đánh giá là đột biến, chỉ sau sân bay Nội Bài với 90 chuyến bay

Tuy nhiên, giá vé máy bay đến những địa phương này không những tăng cao mà các chuyến bay thẳng còn rất khan hiếm. Cụ thể, chặng TP.HCM - Đồng Hới (Quảng Bình) đã hết sạch các chuyến bay thẳng.

Nếu bay thẳng về Vinh từ TP.HCM, hành khách phải trả giá vé khứ hồi rẻ nhất đã là 8,5 triệu đồng.

Chặng TP.HCM - Thanh Hóa cũng gặp tình trạng khan hiếm vé. Giá vé đắt đỏ, dao động từ 8,5 đến 11,8 triệu đồng.

Lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đã chỉ đạo các sân bay huy động nhân sự phục vụ bay đêm.

“Với những sân bay khai thác đêm thường xuyên như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng… không khó. Nhưng với sân bay địa phương, thêm chuyến bay đêm là cả một vấn đề. Phục vụ bay đêm nghĩa là phải trực 24/7, trong khi tại các sân bay nhỏ, ban đêm chỉ có lác đác vài chuyến nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ mọi điều kiện", vị này nói.

Bay nối chuyến đắt đỏ

Khi đặt vé, nhiều người bất ngờ khi những chuyến bay nối chuyến đắt đỏ, thời gian chờ đợi hàng giờ đồng hồ nhưng lại hết vé trước cả những chuyến bay thẳng.

Theo khảo sát của Zing, Bamboo và Vietnam Airlines có nhiều chuyến bay với 1-2 điểm dừng như chặng TP.HCM - Hà Nội dừng ở Phú Quốc, Nha Trang hoặc Đà Nẵng, chặng TP.HCM - Huế dừng ở Đà Lạt, chặng TP.HCM - Vinh nối chuyến ở Hà Nội… Giá vé những chuyến bay này thường đắt hơn các chuyến bay thẳng từ 2 triệu đồng đến 8 triệu đồng, thời gian chờ có thể lên đến 18 giờ.

Điển hình, chặng TP.HCM - Đồng Hới (Quảng Bình), giá vé bay nối chuyến dao động từ 7 triệu đồng đến hơn 20 triệu đồng.

ve may bay,  dat do,  khan hiem anh 2

Hệ thống của Vietnam Airlines và Bamboo tự động gợi ý cho hành khách những hành trình nối chuyến phù hợp.

Dù vậy, trên website đặt vé máy bay hay website chính hãng, nhiều chuyến bay có điểm dừng này lại hết vé rất sớm, chỉ còn vé hạng thương gia. Có ý kiến cho rằng các hãng đã "chơi chiêu", tạo cảm giác khan hiếm để kích thích hành khách đặt vé nhiều hơn cho những chặng bay lắt léo này.

Chia sẻ với Zing, một chuyên gia hàng không cho biết những chuyến bay này được các hệ thống GDS - hệ thống phân phối toàn cầu của hãng hoặc bên thứ 3 tự động đưa ra gợi ý để phù hợp với điểm đi và điểm đến của khách hàng.

Sở dĩ các chuyến bay này hết vé sớm hơn cả chuyến bay thẳng là vì các chặng lẻ nối chuyến đã hết vé nhưng hệ thống vẫn tự động gợi ý khách hàng mua vé hạng thương gia.

Vị chuyên gia này cho biết khách vẫn có thể mua các chuyến bay này nếu lịch trình phù hợp và dư giả về thời gian. Tuy nhiên, khi mua vé từ bên thứ 3, khách hàng cần lưu ý xem các chuyến bay có chung hãng hay không. Trong trường hợp 2 chuyến bay khác hãng và một chuyến bị delay, khách hàng sẽ gặp khó khăn trong việc khiếu nại vì chính sách của các hãng là khác nhau.

Theo TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), ngành hàng không và các doanh nghiệp có nhiều giải pháp điều hành, tăng chuyến dịp cao điểm Tết để đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu đi lại, nghỉ tết bằng đường hàng không. Vì vậy, để đảm bảo mua được vé đúng hành trình, hành khách nên đặt mua vé từ trang web và các đại lý chính thức của các hãng hàng không Việt Nam, không nên mua qua các đơn vị bán vé và các trang mạng không chính thức.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Diệu Thanh

Bạn có thể quan tâm