Sáng 29/8, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,28% so với tháng trước, bình quân 8 tháng đầu năm tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Cơ quan thống kê cũng cho hay giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế giới do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đồng USD giảm giá khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất từ ngày 31/7.
Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/8 tăng 5,46% so với tháng 7. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 8 tăng 4,61% so với tháng trước; tăng 14,33% so với tháng 12/2018 và tăng 14,93% so với cùng kỳ năm trước.
Thậm chí, trong phiên sáng 26/8, giá vàng trong nước đã tăng lên mốc 43 triệu đồng/lượng, thiết lập đỉnh giá mới kể từ năm 2013 đến nay.
Với các mặt hàng khác trong tháng 8, giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường. Ngoài ra, giá thịt lợn tăng do nguồn cung giảm là những yếu tố chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,28% so với tháng trước.
Trong mức tăng 0,28% của CPI tháng 8 so với tháng trước có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 2,81%. Ngoài ra, nhóm giáo dục tăng 0,57% do một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020.
Ba nhóm có chỉ số giá giảm là giao thông giảm 0,46%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06% và bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
Như vậy, CPI bình quân 8 tháng đầu năm tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 8 tăng 1,87% so với tháng 12/2018 và tăng 2,26% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản tháng 8 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,95% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng đầu năm 2019 tăng 1,9% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.