Giá vàng 99,99% và vàng trang sức bật tăng mạnh vào hôm nay (3/5). Ảnh: Chí Hùng. |
Ngay sau báo cáo việc làm tháng 4 tại Mỹ được công bố với tin tức thị trường lao động có dấu hiệu chậm lại, số việc làm giảm mạnh so với dự kiến trong tháng 3, thị trường kim loại quý thế giới đã ghi nhận phản ứng mạnh, với giá vàng giao ngay tăng vọt trở lại.
Cụ thể, trên thế giới, giá vàng giao ngay tăng 1,8% lên mức cao nhất kể từ ngày 14/4, hiện neo ở mốc 2.016 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1,7%, lên 2.026 USD/ounce.
Trước đó, giá vàng đã giảm xuống dưới ngưỡng 1.980 USD/ounce do đồng USD tăng sau khi Mỹ giải quyết xong vụ First Republic Bank phá sản. Vàng ban đầu giảm mạnh do giới đầu tư lo ngại Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất và tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát sau khi ổn định được vụ đổ vỡ thứ 4 trên thị trường ngân hàng nước này. Đồng USD do vậy tăng khá mạnh, gây sức ép giảm giá lên vàng.
Theo các nhà phân tích, việc giá vàng có kiểm tra mức cao nhất mọi thời đại trong tuần này hay không phụ thuộc vào thông điệp của Fed. Hiện tại, thị trường định giá 92% khả năng Fed sẽ quyết định mức tăng 25 điểm cơ bản.
Tuy nhiên, dữ liệu vĩ mô vừa công bố liên quan tới cơ hội việc làm thấp hơn dự kiến báo hiệu rằng đây có thể là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed trong chu kỳ thắt chặt mạnh nhất trong 40 năm trở lại đây.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam của Oanda cho biết đối với vàng, thông điệp của Fed sẽ quyết định liệu kim loại quý này có đạt mức cao kỷ lục khoảng 2.070 USD/ounce một lần nữa hay không.
Erlam cho biết Fed hẳn lo ngại về việc thắt chặt các điều kiện tín dụng sau sự sụp đổ của ba ngân hàng, nhưng rõ ràng họ không muốn dịu giọng cho đến khi buộc phải làm như vậy.
Chính phản ứng tích cực của giá vàng thế giới sau động thái từ báo cáo việc làm tại Mỹ công bố đã làm giá vàng trong nước trở lại xu hướng tăng phiên hôm nay, đặc biệt là giá vàng nhẫn 24K 99,99%.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện niêm yết giá vàng miếng ở mức 66,65 - 67,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cao hơn 50.000 đồng/lượng cả hai chiều so với chốt phiên hôm qua, đồng thời chấm dứt chuỗi 5 ngày có vùng giá đi ngang dài nhất tháng qua.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với giá vàng miếng do Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết hôm nay, phổ biến ở 66,6 - 67,2 triệu/lượng, đi ngang so với ngày 2/5.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện niêm yết giá vàng miếng ở 66,55 - 67,25 triệu/lượng, đi ngang ở chiều mua và tăng 100.000 đồng ở chiều bán.
Tại nhóm doanh nghiệp Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Phú Quý, Vàng Mi Hồng hay VietAGold… giá bán ra vàng miếng hiện dao động quanh vùng 67,35 triệu/lượng, tăng khoảng 150.000 đồng/lượng so với phiên liền trước. Ở chiều mua vào, mức giá được các doanh nghiệp niêm yết phổ biến hiện nay là 66,67 triệu đồng/lượng hiện tăng khoảng 50.000 đồng.
Đây cũng là vùng giá cao nhất các doanh nghiệp đưa ra với mặt hàng vàng miếng trong hơn 2 tuần qua, phiên giao dịch hôm nay đã giúp mặt hàng này trở lại xu hướng tăng.
Cùng ghi nhận diễn biến tích cực kể trên, giá vàng nhẫn 24K (99,99%) trong nước hôm nay đã tăng trở lại sau phiên đi ngang nhiều ngày liên tiếp, hiện đã tiến rất sát vùng 57 triệu/lượng.
Trong đó, SJC hiện niêm yết giá vàng nhẫn 99,99% loại 1 chỉ ở 55,95 - 56,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với cuối ngày hôm qua, mức tăng của mặt hàng này ghi nhận được là 250.000 đồng. Vàng nhẫn SJC 99,99% loại 0,5 chỉ cũng ghi nhận mức tăng tương tự, hiện neo tại vùng 55,95 - 57,05 triệu đồng/lượng.
Tại PNJ, giá vàng nhẫn vẫn giữ chiều hướng đi ngang, hiện niêm yết ở 55,9 - 57 triệu/lượng. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng Rồng Thăng Long sau khi đi ngang ngày hôm qua đến hôm nay đã tăng trở lại mức 55,98 - 56,98 triệu/lượng, tương đương mức tăng 40.000-90.000 đồng (mua vào - bán ra).
Tương tự, giá vàng nhẫn tròn Phú Quý 24K 99,99 tại Tập đoàn Phú Quý hiện phổ biến được mua vào ở 56,05 triệu/lượng và bán ra ở 57 triệu đồng, tăng 100 - 150.000 đồng ở chiều mua vào và bán ra.