Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá vàng thế giới lao dốc

Các thị trường hàng hóa, trong đó có dầu và vàng, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những dữ liệu mới nhất về nền kinh tế Mỹ. Theo đó, Fed có thể phải tăng lãi suất mạnh tay hơn dự kiến.

Từ trước đó, các chuyên gia quốc tế đã chỉ ra rằng đà tăng trưởng của giá vàng thiếu bền vững. Ảnh: Bloomberg.

Các dữ liệu được công bố vào cuối tuần trước của Mỹ đã đè nặng lên cả thị trường vàng lẫn dầu. Theo dữ liệu của Trading Economics, trong ngày 13/2, giá vàng thế giới có lúc rơi xuống dưới mốc 1.860 USD/ounce, trượt tới mức thấp nhất trong vòng 5 tuần. Giới quan sát nhận định kim loại quý sẽ còn trượt giá hơn nữa.

Còn giá dầu Brent (chuẩn toàn cầu) rơi từ mức cao nhất 2 tuần xuống dưới 86 USD/thùng. Giá dầu WTI (chuẩn Mỹ) giảm còn 78,9 USD/thùng. Hôm 10/2, giá dầu WTI đã có lúc xuyên thủng ngưỡng quan trọng 80 USD/thùng.

Dữ liệu mới nhất của Mỹ chỉ ra tâm lý người tiêu dùng đang cải thiện nhờ lạm phát giảm và thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Vấn đề nằm ở chỗ điều này có thể đẩy lạm phát - do cầu kéo - lên cao trở lại.

Theo một cuộc khảo sát của Đại học Michigan, chỉ số đo lường tâm lý của người tiêu dùng đã tăng từ 64,9 trong tháng 1 lên 66,4 vào tháng 2. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/2021. Con số này vượt dự đoán trước đó của giới quan sát là 65.

Hơn nữa, theo cuộc khảo sát, người tiêu dùng Mỹ tin rằng lạm phát sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Giá xăng bật tăng trong những tuần qua là một yếu tố thúc đẩy lạm phát.

gia vang anh 1

Giá vàng thế giới lao dốc trong ngày 13/2. Ảnh: Trading Economics.

gia vang anh 2

Thị trường dầu cũng không miễn nhiễm với các dữ liệu mới nhất về kinh tế Mỹ. Ảnh: Trading Economics.

Kỳ vọng của người tiêu dùng Mỹ về lạm phát là dữ liệu quan trọng với Fed. Bởi nếu người tiêu dùng tin rằng giá cả vẫn cao, họ sẽ muốn được tăng lương. Điều này có thể dẫn tới vòng xoáy lạm phát - tiền lương nguy hiểm.

Vào cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành lên 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Nhưng cơ quan này sẵn sàng nâng lãi suất mạnh tay hơn dự kiến nếu lạm phát vẫn ở mức cao.

"Thực tế là chúng tôi sẽ hành động dựa trên các dữ liệu. Nếu chúng tôi tiếp tục nhận được những báo cáo cho thấy thị trường lao động vẫn nóng, hoặc lạm phát cao hơn, rất có thể Fed phải hành động nhiều hơn và tăng lãi suất lên cao hơn mức đang được thị trường định giá", Chủ tịch Fed Jerome Powell chia sẻ trong một bài phát biểu mới đây.

Nếu chúng tôi tiếp tục nhận được những báo cáo cho thấy thị trường lao động vẫn nóng, hoặc lạm phát cao hơn, rất có thể Fed phải hành động nhiều hơn và tăng lãi suất lên cao hơn mức đang được thị trường định giá

Chủ tịch Fed Jerome Powell

Hơn nữa, theo dữ liệu mới nhất của Cục Thống kê Lao động, sau khi điều chỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 tại Mỹ đã tăng so với tháng trước, thay vì giảm như ước tính trước đó.

Cụ thể, CPI sau khi sửa đổi đã tăng 0,1% trong tháng cuối năm 2022, chứ không giảm 0,1% như ước tính.

Lãi suất tăng cao sẽ khiến các hàng hóa như vàng và dầu mất sức hút với nhà đầu tư.

Nói với Zing, chuyên gia quốc tế giải thích kim loại quý đang đứng trước áp lực chốt lời lớn. "Giá kim loại quý đã tăng phi mã kể từ đầu tháng 12 năm ngoái, và nguy cơ vàng bước vào một đợt điều chỉnh sâu đang ngày càng cao", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại London - nhận định.

"Các nhà giao dịch hài lòng với lập trường nhất quán của ông Powell, nhưng điều này không đủ để cứu vàng. Một đợt điều chỉnh giảm mạnh hơn nữa hoàn toàn có thể xảy ra", vị chuyên gia nói thêm.

Khác với vàng, các động lực đứng sau đà tăng của giá dầu thế giới mạnh mẽ hơn. Điều này có thể giúp mặt hàng này dễ dàng tăng giá trở lại.

Một trong số nguyên nhân nằm ở phía cung. Mới đây, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày, tương đương khoảng 5% sản lượng, vào tháng 3.

Giá dầu thế giới cũng được dự báo tăng vọt trong năm nay nhờ nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi. Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu hàng đầu toàn cầu - đã bắt đầu mở cửa trở lại.

Theo dự báo mới nhất của S&P, nhu cầu dầu tại nước này có thể đạt 15,7 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn khoảng 700.000 thùng/ngày so với năm 2022.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Bài toán khó giải của Fed

Người tiêu dùng Mỹ lạc quan hơn về nền kinh tế và tin rằng lạm phát vẫn sẽ ở mức cao. Điều này có thể tạo ra vòng xoáy lạm phát - tiền lương, khiến bài toán của Fed nan giải hơn.

Giá dầu tăng vọt

Giá dầu thế giới vọt tăng sau tuyên bố của phó thủ tướng Nga. Theo đó, nước này sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 3.

Giá vàng thế giới bật tăng

Giá kim loại quý lấy lại mốc 1.880 USD/ounce vào ngày 9/2. Nhưng giới quan sát tin rằng đợt tăng giá này sẽ khó kéo dài.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm