Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 10/2, chỉ trong 30 phút, giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu đã tăng vọt từ dưới 84 USD/thùng lên 86,2 USD/thùng sau thông tin Nga cắt giảm sản lượng dầu. Còn giá dầu WTI tiến sát ngưỡng quan trọng 80 USD/thùng.
Theo Reuters, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày, tương đương khoảng 5% sản lượng, vào tháng 3. Động thái này được đưa ra sau khi phương Tây áp giá trần đối với dầu và các sản phẩm từ dầu của Nga.
Ông Novak cũng khẳng định phía Moscow "sẽ không bán dầu cho những bên trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia kế hoạch áp giá trần".
Trong tháng cuối năm 2022, kế hoạch áp giá trần dầu Nga của phương Tây và lệnh cấm đối với dầu vận chuyển qua đường biển của Nga từ phía Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức có hiệu lực.
Khác với các dự đoán trước đó, sản lượng dầu của Nga đã tăng 2% trong năm ngoái lên 535 triệu tấn (tương đương 10,7 triệu thùng/ngày) nhờ đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc.
Giá dầu tăng vọt trong chiều 10/2. Ảnh: Trading Economics. |
Giá dầu thế giới cũng được dự báo tăng vọt trong năm nay nhờ nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi. Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu hàng đầu toàn cầu - đã bắt đầu mở cửa trở lại.
Trong báo cáo mới được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hồi giữa tháng 1, nhu cầu dầu trên toàn thế giới sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày lên 101,7 triệu thùng/ngày năm nay. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã mở đường cho sự phục hồi trong hoạt động di chuyển, thương mại và kinh tế.
Theo IEA, nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi sẽ tạo ra một thị trường dầu thắt chặt. Bởi đó là lúc các biện pháp trừng phạt từ phía phương Tây áp lên lĩnh vực năng lượng của Nga phát huy tác dụng.
Thêm vào đó, những căng thẳng về nguồn cung do thiếu hụt đầu tư vào dầu khí khiến giá dễ dàng tăng cao khi cầu đẩy.
"Nhu cầu sẽ bùng nổ khi Trung Quốc hoàn toàn thoát khỏi dịch bệnh", ông Dan Yergin - Phó chủ tịch S&P Global - nói với CNBC. Theo ông, đó có thể là cú hích lớn và đẩy giá dầu tăng vọt lên 121 USD/thùng, sát với mức cao hồi tháng 3 năm ngoái sau khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra.
Theo dự báo mới nhất của S&P, nhu cầu dầu tại nước này có thể đạt 15,7 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn khoảng 700.000 thùng/ngày so với năm 2022.
Nhu cầu dầu sẽ bùng nổ khi Trung Quốc hoàn toàn thoát khỏi dịch bệnh
Ông Dan Yergin, Phó chủ tịch S&P Global
Hơn nữa, các thị trường hàng hóa, trong đó có dầu, lạc quan hơn sau những bình luận mới nhất của ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong bài phát biểu hôm 7/2, ông Powell cho rằng lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt, nhưng ông thừa nhận đó sẽ là một quá trình dài hơi.
"Quá trình thiểu phát đã bắt đầu trong lĩnh vực hàng hóa, chiếm 25% nền kinh tế", ông Powell cho biết trong một sự kiện tại Washington. "Nhưng chúng ta vẫn phải đi một quãng đường dài. Đây mới là giai đoạn đầu", ông nhấn mạnh.
Lạm phát hạ nhiệt cho phép Fed nhẹ tay hơn trong việc tăng lãi suất. Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023, cơ quan này đã quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành lên 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Trước đó, trong năm 2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi giảm xuống 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12 cùng năm.
Lãi suất tăng cao sẽ làm tăng chi phí vốn và chi phí cơ hội của những khoản đầu tư rủi ro như chứng khoán, vàng. USD mạnh lên - nương theo đà tăng của lãi suất - cũng khiến số USD cần để mua một thùng dầu giảm đi.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.