Trong phiên giao dịch sáng ngày 2/9 (theo giờ New York), giá vàng thế giới giao ngay trên sàn New York lao một mạch xuống mức 1.935,3 USD/ounce, giảm đến 33,8 USD/ounce, tức 1,72% so với mức đóng cửa phiên giao dịch hôm 1/9.
Trước đó, vào ngày 1/9, giá vàng thế giới có thời điểm leo dốc lên mức cao nhất trong vòng hai tuần qua, nhưng vẫn không thể vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Các chuyên gia nhận định giá vàng bị đè nặng khi nền kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu lạc quan hơn dự kiến. Ngay cả khi lãi suất của Mỹ - trợ lực chính của giá vàng - sụt giảm, giá kim loại quý vẫn không thể bật tăng.
Chỉ số sản xuất của Mỹ phục hồi là gáo nước lạnh đối với đà tăng của giá vàng. Ảnh: Reuters. |
Khó vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce
Trước khi lao dốc mạnh sáng ngày 2/9, giá vàng thế giới có thời điểm vượt ngưỡng 1.990 USD/ounce trong phiên giao dịch hôm 1/9. Nguyên nhân là sự phục hồi sản xuất của khu vực đồng euro đang gặp khó khăn, thị trường lao động Mỹ cũng chật vật gượng dậy.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn không thể vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce và chỉ tăng 0,15% sau một đêm.
"Đà tăng giá của vàng quá yếu ớt và đáng thất vọng. Nếu nhìn vào thị trường tiền tệ và dầu mỏ, có thể nhận thấy đà tăng giá của kim loại quý đã tạm thời chững lại", ông Jeffrey Halley, nhà phân tích cao cấp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Oanda, nhận xét.
Theo ông, điều đáng lo ngại hơn cả là lãi suất của Mỹ, trợ lực chính của giá vàng, đã giảm sau một đêm. Nhưng giá vàng không thể duy trì bất kỳ sự tăng trưởng nào.
Cũng trong ngày 1/9, chỉ số sản xuất của Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) tăng từ 54,2 lên 56 trong tháng 8, giúp đồng USD xóa sạch mức suy yếu trước đó. Chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh đối với 6 đồng tiền chính khác, tăng 0,2% lên 92.306 sau khi chạm mức 91.746, mức thấp nhất kể từ mùa xuân năm 2018.
Điều đáng lo ngại hơn cả là lãi suất của Mỹ, trợ lực chính của giá vàng, đã giảm sau một đêm. Nhưng giá vàng không thể duy trì bất kỳ sự tăng trưởng nào.
- Jeffrey Halley (Oanda, Mỹ)
Theo ông Edward Moya, chuyên gia phân tích cao cấp tại Công ty giao dịch ngoại hối Oanda (Mỹ), đồng USD phục hồi sau khi các dữ liệu cho thấy sản xuất của Mỹ đã mở rộng trong tháng 8 với tốc độ nhanh nhất kể từ cuối năm 2018. Điều này làm sụt giảm nhu cầu mua vàng như một tài sản "trú ẩn" an toàn.
"Báo cáo sản xuất của ISM đã dội một gáo nước lạnh vào khởi đầu mạnh mẽ của giá vàng trong tuần giao dịch. Đồng USD cũng đủ 'chín' cho một đợt điều chỉnh giảm ngắn và các nhà đầu tư tận dụng điều này để chốt lợi nhuận vàng thỏi", ông Moya bình luận.
"Báo cáo sản xuất cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phục hồi. Sức mạnh của đồng USD đã trở lại", ông Naeem Aslam, chuyên gia phân tích thị trường tại Ava Trade, nhận định. Theo chuyên gia Halley tại Oanda, những gói hỗ trợ tài khóa có thể là động lực chính giúp giá vàng quay trở lại mức cao kỷ lục.
Hy vọng vào gói cứu trợ
Kim loại quý đã tăng giá 30% trong năm nay và đạt mức cao kỷ lục hồi đầu tháng 8 sau khi các nước tung ra hàng loạt gói kích thích để giúp nền kinh tế đối phó với tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Đà tăng dữ dội của giá vàng đã tạm lắng xuống khi lãi suất thực của Mỹ leo dốc, các nhà đầu tư chuyển sang những tài sản rủi ro hơn với kỳ vọng vào vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng của giá kim loại quý.
"Đại dịch còn lâu mới kết thúc và nếu triển vọng kinh tế xấu đi, các ngân hàng trung ương có thể tăng cường can thiệp tiền tệ thêm một lần nữa. Giới đầu tư sẽ tiếp tục coi vàng là tài sản trú ẩn an toàn, đẩy giá vàng lên cao hơn", báo cáo của Tập đoàn Heraeus Holding GmbH (Đức) viết. Tập đoàn này dự báo vàng có thể được giao dịch trong khoảng 1.850-2.200 USD vào thời gian còn lại của năm.
Đà tăng dữ dội của giá vàng đã tạm lắng xuống khi lãi suất thực của Mỹ leo dốc, sức mạnh của đồng USD phục hồi. Ảnh: Reuters. |
Ông Adrian Day, Giám đốc điều hành của Adrian Day Asset Management, cho rằng ông vẫn lạc quan về triển vọng của giá vàng. Nguyên nhân là đồng USD sẽ giảm giá trong dài hạn do FED nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo ông, ngân hàng trung ương của Mỹ không thể rút lại hàng nghìn tỷ USD mà họ đã bơm vào thị trường để hỗ trợ nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch.
Ngoài việc FED nới lỏng bảng cân đối kế toán, ông Day còn nhấn mạnh rằng các thị trường giờ đã "nghiện" chính sách kích thích kinh tế. "Cần nhiều tiền hơn nữa để hỗ trợ thị trường chứng khoán", ông nhận định.
"FED đã mất kiểm soát. Bản thân ông Jerome Powell (Chủ tịch FED) cũng nói rằng không có giới hạn ở đây", vị giám đốc điều hành nhận định.
Ông Adrian Day cũng lạc quan về lĩnh vực khai thác vàng. "Giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục vào đầu tháng 8, nhưng giá trị của các công ty khai thác vẫn thấp hơn rất nhiều so với đợt tăng giá năm 2011", ông bình luận.
"Cần một thời gian dài nữa để giá trị của các công ty này bắt kịp (mức giá năm 2011). Những ai cho rằng họ đã bỏ lỡ con thuyền đối với các cổ phiếu này đều đã sai lầm. Giá hôm nay không tốt như 6 tháng hay 1 năm trước, nhưng chúng vẫn bị đánh giá rất thấp", ông bình luận.