Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Phải xác định sống chung với lũ một thời gian dài'

Phó tổng giám đốc KPMG cho rằng nền kinh tế Việt Nam phải sống chung với dịch Covid-19 lâu hơn một năm. Nếu doanh nghiệp lành lặn qua đại dịch, chắc chắn sẽ có thêm nhiều cơ hội.

Doanh nghiep Viet Nam chong do tac dong cua dich Covid-19 anh 1

Dịch Covid-19 bùng phát khi nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp đang dò dẫm thoát ra khỏi tác động của đợt dịch Covid-19 đầu tiên.

Trao đổi với Zing, bà Trương Hạnh Linh, Phó tổng giám đốc KPMG, một trong "big four" ngành kiểm toán, nhận định dịch Covid-19 là giai đoạn "lửa thử vàng" đối với doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp có nội lực kinh doanh cốt lõi phù hợp và chiều sâu về quản trị sẽ sống sót và trở thành hình mẫu dẫn dắt.

Giai đoạn "lửa thử vàng" đối với doanh nghiệp

- Đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai vẫn chưa được phản ánh vào bức tranh kinh tế và các dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bà đánh giá thế nào về tác động lần này đối với nền kinh tế?

- Dịch Covid-19 là đại dịch của thế kỷ, rất nhiều quốc gia rơi vào trạng thái bị động và không lường hết được các hệ quả khi xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên. Việt Nam là một trong các điểm sáng về việc phòng chống Covid-19 giai đoạn đầu một cách hiệu quả.

Thành quả của việc phòng chống dịch hiệu quả đợt đầu đã đem tới kết quả khả quan cho nền kinh tế, mà Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng dương, mặc dù mức tăng GDP 1,81% cho 6 tháng đầu năm là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Đợt bùng phát dịch thứ hai này một lần nữa gia tăng khó khăn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp, vốn vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đợt bùng dịch lần đầu, cũng như còn dò dẫm để thoát ra khỏi tác động kép từ độ trễ của ảnh hưởng đợt dịch Covid-19 đầu tiên. Tuy nhiên, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam đã có tư thế chủ động hơn.

Doanh nghiep Viet Nam chong do tac dong cua dich Covid-19 anh 2

Bà Trương Hạnh Linh, Phó tổng giám đốc KPMG.

Các doanh nghiệp đã và đang chuyển đổi hiệu quả hình thức hoạt động, giao dịch ứng dụng công nghệ, áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong đầu tư và kinh doanh, từ đó duy trì kinh doanh liên tục và giảm những tác động không mong muốn. Nhiều doanh nghiệp còn nhận diện được các cơ hội tại thị trường nội địa, cơ hội chuyển đổi số hóa cũng như lấp chỗ trống trong chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy do dịch Covid-19.

Còn quá sớm để chúng ta dự đoán chính xác về nền kinh tế sau đợt tái bùng dịch này, nhưng tôi tin rằng các tác động tới nền kinh tế Việt Nam không quá bi quan. Một số ngành sẽ tiếp tục bị tác động mạnh như hàng không, du lịch, nhưng cơ hội phát triển vẫn được mở ra cho nhiều lĩnh vực kinh tế khác.

- Theo bà, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam nên có kế hoạch gì để ứng phó với đợt tái bùng dịch Covid-19 lần này?

- Chúng ta phải xác định “sống chung với lũ” trong một thời gian, có thể là một năm hoặc lâu hơn. Trước mắt, Việt Nam cần tiếp tục phát huy năng lực phòng chống dịch. Ngành y tế cũng như các địa phương duy trì khả năng khoanh vùng nhanh chóng, kịp thời, nhằm kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu lây nhiễm trong cộng đồng. Cùng lúc đó, để đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế, Chính phủ cần xem xét các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và khuyến khích doanh nghiệp nắm bắt cơ hội chuyển đổi mô hình và lĩnh vực kinh doanh hiệu quả.

Đối với các doanh nghiệp, tôi cho rằng đây là lúc bản lĩnh của nhà lãnh đạo được thể hiện để đưa doanh nghiệp không chỉ vượt qua khủng hoảng mà còn nắm bắt cơ hội phát triển. Lịch sử đã chứng minh rằng thời kỳ mà nền kinh tế xã hội có những biến động lớn chính là giai đoạn “lửa thử vàng” với quá trình đào thải tự nhiên của các doanh nghiệp và doanh nhân.

Doanh nghiep Viet Nam chong do tac dong cua dich Covid-19 anh 3

Thời kỳ biến động của kinh tế xã hội là giai đoạn “lửa thử vàng” với quá trình đào thải tự nhiên của các doanh nghiệp và doanh nhân.

Do đó, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp cần xác định rõ nền tảng cốt lõi, đặt ra chiến lược với năng lực thích ứng cao, tích hợp chương trình quản trị rủi ro hiệu quả như quản lý rủi ro chuỗi cung ứng, dòng tiền, kinh doanh liên tục và quản lý khủng hoảng vào trong quá trình sản xuất kinh doanh.

- Vậy Việt Nam nên làm gì để phục hồi niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư, nhất là khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp?

- Niềm tin của người tiêu dùng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đang có sự suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể, theo The Conference Board, Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng Toàn cầu giảm mạnh từ mức gần như cao nhất lịch sử 106 điểm vào quý I/2020 xuống còn 92 (giảm 14 điểm) trong quý II. Chỉ số này tại Việt Nam giảm 9 điểm so với quý trước nhưng vẫn đứng thứ hai thế giới với 117 điểm. Điều đó cho thấy nội lực của nền kinh tế Việt Nam không quá thấp, người dân có sự chuẩn bị tốt với các biện pháp cách ly xã hội và không quá tiêu cực trước tình trạng đóng cửa doanh nghiệp và gia tăng thất nghiệp hoặc giảm thu nhập.

Lịch sử đã chứng minh rằng thời kỳ mà nền kinh tế xã hội có những biến động lớn chính là giai đoạn “lửa thử vàng” với quá trình đào thải tự nhiên của các doanh nghiệp và doanh nhân.

Để chung sống lâu dài với dịch Covid-19, nhất là khi người tiêu dùng đang có xu hướng giảm sự sẵn sàng chi tiêu, các doanh nghiệp nên rà soát và điều chỉnh định vị thị trường, thay đổi sản phẩm và phương thức kinh doanh để đáp ứng thói quen chi tiêu mới, từ đó duy trì nguồn cầu tiêu dùng đối với thị trường, tạo động lực thúc đẩy cung ứng và sản xuất.

Việt Nam cũng cần có những chính sách như ưu đãi thuế, hỗ trợ tín dụng… cho các doanh nghiệp trong nước nhằm dịch chuyển nền kinh tế qua các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao, ứng dụng công nghệ, nhằm tận dụng ưu thế của lực tiêu dùng tới từ lượng dân số lớn, trẻ và lạc quan hiện nay.

Về khía cạnh đầu tư, do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 thấy được trong nửa đầu năm 2020, giới đầu tư quốc tế đang đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch chuỗi cung ứng và mạng lưới cơ sở sản xuất trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam là ứng viên sáng giá khi nằm trong khu vực phát triển năng động nhất thế giới và là quốc gia thể hiện tốt khả năng ứng biến, chống dịch hiệu quả. Do vậy, Chính phủ và các địa phương, bên cạnh việc duy trì những biện pháp an toàn trong cộng đồng, cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội thu hút vốn đầu tư, tạo cơ hội việc làm, kích cầu tiêu dùng và duy trì tăng trưởng cho nền kinh tế.

"Sống chung với lũ"

- Dù Chính phủ đã nỗ lực cân bằng giữa mục tiêu chống dịch và duy trì hoạt động kinh tế, một số ngành như du lịch, hàng không vẫn bị ảnh hưởng nặng nề trước đợt bùng phát này. Theo bà, có giải pháp nào cho tình trạng trên?

- Các nhóm ngành du lịch, hàng không đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung, nhưng cũng là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Việc phục hồi ngành du lịch tại nhiều quốc gia chịu tác động của dịch Covid-19 là một bài toán nan giải. Ở Việt Nam, những biện pháp cần thiết trong giai đoạn thu hút khách du lịch trở lại sẽ bao gồm việc trấn an tâm lý du khách, tăng cường các biện pháp y tế và thiết kế những gói du lịch an toàn nhằm giảm khả năng lây nhiễm trong các đoàn khách du lịch và giữa khách du lịch với cộng đồng nội địa, đặc biệt là chính sách hỗ trợ y tế phù hợp cho người làm việc trong ngành du lịch.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng làm thay đổi hành vi của khách du lịch, các doanh nghiệp cũng nên tận dụng cơ hội gia tăng khách hàng nội địa, hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ, quan tâm tới trải nghiệm “du lịch an toàn” của khách du lịch. Việc định vị thị trường và định vị sản phẩm mới phù hợp sẽ giúp ngành du lịch giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng này.

Doanh nghiep Viet Nam chong do tac dong cua dich Covid-19 anh 4

Dịch Covid-19 giáng đòn nặng lên các ngành công nghiệp dịch vụ. Ảnh:Việt Hùng.

Đối với ngành hàng không, tâm lý e ngại của hành khách, quy định giãn cách hay yêu cầu hủy/giảm chuyến cùng việc phải duy trì biện pháp an toàn trên các chuyến bay sẽ dẫn tới giảm doanh thu và gia tăng chi phí. Nhiều hãng hàng không trên thế giới đối mặt với nguy cơ phá sản do mất thanh khoản và thua lỗ kéo dài. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) công bố mức giảm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không lên đến hơn 50% trong năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Tại Việt Nam, áp lực mà dịch Covid-19 đang tạo ra cho các hãng hàng không rất lớn, đặc biệt đối với đường bay quốc tế. Tuy nhiên, nhu cầu về di chuyển bằng đường hàng không nội địa giữa những thành phố lớn vẫn sẽ duy trì. Do đặc điểm địa lý, các hãng hàng không cần xây dựng phương thức kinh doanh đặt chỗ và vận hành đường bay một cách thông minh để duy trì tỷ suất lợi nhuận và dòng tiền trong giai đoạn này.

- Làm sao để nền kinh tế tiến tới trạng thái "bình thường mới" một cách hiệu quả mà không rơi vào vòng xoáy suy thoái kinh tế?

- Sự bất ổn là hiện hữu nhưng nếu được giám sát chặt chẽ và có biện pháp ứng phó phù hợp, các doanh nghiệp toàn hoàn có thể bảo toàn vốn và nắm bắt cơ hội chuyển đổi kinh doanh hữu hiệu. Nền kinh tế Việt Nam, nhờ vào khả năng phòng chống dịch hiệu quả của Chính phủ, cùng sự đồng lòng của các địa phương, tổ chức và người dân, có thể thiết lập trạng thái “bình thường mới”.

Các doanh nghiệp có nội lực kinh doanh cốt lõi phù hợp và chiều sâu về quản trị sẽ sống sót và trở thành hình mẫu dẫn dắt.

Trong trạng thái “bình thường mới” này, các doanh nghiệp có nội lực kinh doanh cốt lõi phù hợp và chiều sâu về quản trị sẽ sống sót và trở thành hình mẫu dẫn dắt. Những người lao động với năng lực phù hợp và kỹ năng tốt có thể duy trì được việc làm và thu nhập. Đây sẽ là trạng thái tương lai để tạo đà cho sự phát triển vươn mình của nền kinh tế trong dài hạn.

Tất nhiên, việc Việt Nam tiến tới trạng thái “bình thường mới” tạo đà phát triển dài hạn hay rơi vào vòng xoáy suy thoái kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Chính phủ, đặc biệt trong công tác duy trì hiệu quả của công tác phòng chống dịch Covid-19 bên cạnh các nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp. Dịch bệnh có thể kéo dài, Việt Nam cần duy trì công tác phòng chống dịch để số lượng, tỷ lệ và tốc độ các ca nhiễm, tử vong ở mức độ kiểm soát được. Nếu để dịch bệnh bùng phát một cách mất kiểm soát, tôi e rằng những chính sách khôi phục nền kinh tế cũng như các nỗ lực của các doanh nghiệp sẽ trở nên mất hiệu lực.

Cả ba mục tiêu “chống dịch”, “ổn định nền kinh tế” và “tận dụng thời cơ thu hút FDI” cần được quán triệt và có kế hoạch thực hiện đồng thời. Tôi tin rằng với việc duy trì công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả như hiện nay chính là tiền đề quan trọng nhất để duy trì niềm tin của người tiêu dùng cũng như giúp cho các doanh nghiệp thực thi một cách hiệu quả sáng kiến tái định vị khách hàng và sản phẩm, quản trị rủi ro và chuyển đổi số.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm