Theo dữ liệu của Kitco.com, trong phiên giao dịch ngày 27/2 (giờ Mỹ), giá vàng trên sàn New York đã tăng vọt từ hơn 1.811 USD/ounce lên sát ngưỡng 1.820 USD/ounce, rồi điều chỉnh giảm về 1.817,5 USD/ounce. So với phiên liền trước, giá của mỗi ounce vàng vẫn tăng 6,3 USD.
Nói với Zing, chuyên gia quốc tế cho rằng khi giá vàng giảm về gần ngưỡng 1.800 USD/ounce, áp lực chốt lời đã giảm bớt. Cùng với đó là việc đồng USD yếu đi và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lao dốc.
"Giá vàng được hỗ trợ bởi đồng USD yếu đi và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm nhẹ. Áp lực bán tháo trên thị trường vàng đang giảm bớt khi giá lùi về ngưỡng 1.800 USD/ounce", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại London - nhận định với Zing.
Giá vàng trên sàn New York vọt tăng trong phiên 27/2 (giờ Mỹ). Ảnh: Kitco.com. |
Áp lực bán tháo giảm bớt
Theo Trading Economics, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - đã giảm từ hơn 105 điểm, mức cao nhất trong vòng 7 tuần, xuống 104,8 điểm.
Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm về 3,93%.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng bật tăng trong phiên giao dịch đầu tuần. Tính đến 12h20 (giờ Mỹ), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có thêm 72,82 điểm, đạt 32.889,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,82 điểm nhưng vẫn chưa thể lấy lại mốc 4.000 điểm. Còn chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ ghi nhận mức tăng 0,72% lên 11.477,1 điểm.
Chỉ số USD lao dốc trong ngày 27/2 (theo giờ Mỹ). Ảnh: Trading Economics. |
Trong khi đó, giá Bitcoin vẫn giằng co quanh ngưỡng 23.500 USD/đồng. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới có lúc vọt lên sát ngưỡng 23.900 USD/đồng, rồi nhanh chóng giảm về 23.340 USD/đồng.
Nhưng theo ông Erlam, miễn là tâm lý nhà đầu tư nói chung vẫn tốt, thị trường tiền mã hóa sẽ tiếp tục tăng trưởng. "Vùng kháng cự của Bitcoin đang là 24.500-25.000 USD/đồng. Nếu vượt qua ngưỡng đó, đà tăng có thể còn mạnh mẽ hơn nữa", vị chuyên gia nhận định.
Nhưng theo ông, đà tăng của giá vàng vẫn gặp phải trở ngại lớn. "Giá vàng có thể giảm về vùng 1.780-1.800 USD/ounce nếu các dữ liệu kinh tế tiếp theo không đứng về phía vàng", vị chuyên gia nhận định.
Vẫn còn rủi ro
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước trên sàn New York, giá vàng thế giới đã rớt xuống 1.811 USD/ounce. Giá của mỗi ounce vàng giảm 11,7 USD so với phiên liền trước và đánh dấu mức thấp nhất kể từ cuối năm ngoái.
Giá kim loại quý cũng đã giảm mạnh so với mức cao nhất 9 tháng hồi đầu tháng này. Nguyên nhân là những dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ vẫn còn nóng.
Theo báo cáo mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tại Mỹ - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - đã tăng 0,6% trong tháng 1 và 4,7% so với một năm trước đó, vượt mức dự báo của Phố Wall (lần lượt là 0,5% và 4,4%).
Giá vàng có thể giảm về vùng 1.780-1.800 USD/ounce nếu các dữ liệu kinh tế tiếp theo không đứng về phía vàng
Chỉ số giá sản xuất trong tháng 1 đã ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2022 và cao hơn dự đoán. Chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng cao trong tháng 1 do chi phí nhà ở, giá xăng và nhiên liệu đi lên.
Hôm 23/2, ông Jamie Dimon - CEO gã khổng lồ tài chính JPMorgan Chase - cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu mạnh lên. Điều này cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải hành động nhiều hơn để kìm hãm lạm phát.
"Tôi dành tất cả sự tôn trọng cho Chủ tịch Fed Jerome Powell, nhưng thực tế là lạm phát đã vượt tầm kiểm soát của chúng ta một chút", ông Dimon cảnh báo.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.