Theo dữ liệu của Kitco.com, trong phiên giao dịch ngày 12/7 (giờ Mỹ), giá vàng trên sàn New York đã tăng vọt 24,5 USD/ounce lên 1.956,7 USD/ounce. Đây là mức giá cao nhất của kim loại quý trong vòng hơn 3 tuần qua.
Lạm phát tháng 6 tại Mỹ không nóng như dự kiến đã giúp vàng thoát khỏi vùng nguy hiểm. Cuối tháng 6, giá kim loại quý có thời điểm rơi xuống dưới ngưỡng quan trọng 1.900 USD/ounce.
Theo dữ liệu chính thức, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 chỉ tăng 3% so với một năm trước đó. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021, thậm chí thấp hơn ước tính 3,1% của các chuyên gia được Dow Jones khảo sát. So với tháng 5, CPI tại Mỹ nhích nhẹ 0,2%, thấp hơn dự báo là 0,3%.
Giá vàng tăng vọt trong phiên 12/7 (giờ Mỹ). Ảnh: Kitco.com. |
Lạm phát đang hạ nhiệt
Theo giới quan sát, với những dữ liệu mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thở phào. Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái nhằm hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế và kìm hãm lạm phát.
"Đã có những bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống lạm phát. Báo cáo ngày hôm nay là một lời xác nhận rằng cuối cùng, lạm phát cũng đang hạ nhiệt", ông George Mateyo, Giám đốc đầu tư của Key Private Bank, nhận định.
Đã có những bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống lạm phát. Báo cáo ngày hôm nay là một lời xác nhận rằng cuối cùng, lạm phát cũng đang hạ nhiệt.
Ông George Mateyo, Giám đốc đầu tư của Key Private Bank
"Đây là lời đáp cho các chính sách của Fed. Họ có thể đạt được điều mong muốn là hạ nhiệt lạm phát trong khi tăng trưởng vẫn chưa đình trệ", vị chuyên gia nhận định.
Báo cáo lạm phát tháng 6 đã cởi bỏ áp lực cho thị trường vàng, vốn đang bị đè nặng bởi rủi ro lãi suất tiếp tục tăng cao.
Giá vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Bởi lãi suất đi lên sẽ kéo chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng cao, từ đó triệt tiêu sức hấp dẫn của kim loại quý đối với nhà đầu tư.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà đầu tư đang định giá khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp sắp tới là 92,4%, giảm nhẹ so với mức 93% cách đây một ngày. Kịch bản Fed giữ nguyên lãi suất chỉ được định giá là 7,6%.
Các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương có thể đang theo dõi sát sao chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi, vốn vẫn vượt xa mục tiêu 2% của Fed. Theo ông Mateyo, báo cáo lạm phát tháng 6 cũng khó có thể ngăn Fed nâng lãi suất một lần nữa vào cuối tháng này.
Vẫn còn trở ngại
Vẫn còn những dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ còn dai dẳng. Chẳng hạn, báo cáo bảng lương mới nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm đã chậm lại, nhưng tiền lương đang tăng trưởng mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp giảm.
Trong khi đó, Fed muốn giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc làm để hạ nhiệt lạm phát. Một thị trường lao động thắt chặt có thể tạo ra vòng xoáy lạm phát - tiền lương nguy hiểm.
Theo đó, các doanh nghiệp phải trả nhiều tiền hơn để thu hút và giữ chân người lao động trong một thị trường cạnh tranh. Do vậy, họ sẽ cần tăng giá để bù đắp chi phí.
Người tiêu dùng từ đó sẽ phải chi trả nhiều hơn nhằm trang trải cuộc sống, và tiếp tục tạo sức ép cho doanh nghiệp để được tăng lương.
Theo biên bản họp tháng 6 mới được Fed công bố, dù đã nhất trí tạm dừng tăng lãi suất để theo dõi tác động đối với nền kinh tế, hầu hết quan chức của ngân hàng trung ương đều chỉ ra khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
Trong bài phát biểu một tuần sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương "vẫn còn một chặng đường dài phía trước" để đưa lạm phát về mức mục tiêu.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.