Thị trường vàng thế giới vừa trải qua phiên giao dịch tăng vọt lên trên vùng 1.800 USD/ounce trong bối cảnh đồng USD suy yếu. Giá vàng giao ngay trên sàn New York đêm qua (giờ Việt Nam) đã tăng 24,8 USD, đóng cửa ở mức 1.805,5 USD/ounce, mức cao nhất kể từ đầu tháng 8 đến nay. Biến động này tương đương mức tăng ròng 1,4% giá trị của vàng chỉ sau phiên giao dịch đầu tuần.
Trên sàn Kitco, giá vàng giao ngay hiện cũng phổ biến ở mức 1.803 USD/ounce, cao hơn 23 USD so với phiên liền trước. Trên sàn Comex, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12 đêm qua tăng 1,33%, hiện cố định ở mức 1.807,8 USD/ounce.
Không riêng giá vàng khởi sắc, phiên giao dịch đêm qua còn ghi nhận giá hợp đồng bạc tương lai tăng 2,31%, hiện cố định ở 23,64 USD/ounce.
Lý do chính giúp giá vàng và bạc tăng vọt trong phiên đêm qua là chỉ số USD Index mất 0,518 điểm, tương đương 0,55% và hiện phổ biến giao dịch quanh vùng 92,99 điểm.
Thanh khoản thị trường vàng trong nước vẫn thấp khi nhiều thành phố lớn đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo dữ liệu của Kitco, việc đồng USD suy yếu kể trên là yếu tố đóng góp khoảng 1/3 đà tăng mạnh của giá vàng phiên vừa diễn ra. Phần còn lại đến từ việc các nhà đầu tư đặt giá mua - bán cao hơn khi tâm lý thị trường thay đổi.
Một số chỉ số về sản xuất của Mỹ mới công bố ghi nhận mức thấp hơn dự báo đã khiến thị trường lo ngại rằng biến thể Delta của dịch Covid-19 đã làm chậm lại sự phục hồi của nền kinh tế. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng lo ngại này về tỷ lệ lây nhiễm gia tăng do biến thể này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lùi thời gian giảm mua tài sản trị giá 120 tỷ USD hàng tháng.
Các thông tin này đều tích cực với thị trường kim loại quý, giúp vàng và bạc cùng tăng vọt trong phiên đêm qua.
Trong khi thị trường thế giới ghi nhận biến động tích cực, thị trường vàng trong nước tiếp tục giao dịch với tình trạng ảm đạm khi hầu hết doanh nghiệp vẫn đang phải đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, hiện thị trường vàng trong nước chỉ ghi nhận lượng giao dịch nhỏ thông qua kênh online với mặt hàng chủ yếu và là nhẫn trơn và trang sức.
Với mặt hàng vàng miếng, thanh khoản thấp đã khiến chênh lệch giá mua - bán mặt hàng này bị nới rộng.
Cụ thể, trong phiên sáng nay, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 56,5 - 57,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng so với phiên hôm qua (23/8). Tuy vậy, mức giá này vẫn thấp hơn bình quân tuần trước đó khoảng 150.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện niêm yết giá mua vào vàng miếng ở 56,45 triệu/lượng và bán ra ở mức 57,6 triệu/lượng, tăng 400.000 đồng giá bán so với sáng 23/8.
Việc tăng mạnh giá bán ra đã khiến chênh lệch mua - bán vàng miếng tại PNJ nới rộng lên mức 1,15 triệu/lượng. Điều này đồng nghĩa với việc người mua vàng miếng tại PNJ giai đoạn này sẽ chịu ngay khoản lỗ 1,15 triệu đồng.
Không chỉ nới rộng chênh lệch giá mua - bán vàng miếng, hiện mức chênh lệch này với mặt hàng vàng nhẫn tại PNJ cũng đang ở mức 2,45 triệu đồng. Trong đó, PNJ niêm yết giá mua vào ở mức 50,6 triệu/lượng và bán ra ở 53,05 triệu đồng/lượng.
Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện niêm yết giá vàng miếng ở 56,25 - 57,85 triệu đồng/lượng( mua vào - bán ra).
Trong khi đó, giá vàng nhẫn doanh nghiệp này tự chế tác hiện cũng có mức chênh 1,6 triệu đồng giữa hai chiều mua và bán.