Giá vàng miếng đã tăng 2 triệu đồng/lượng chỉ trong 1 tháng gần đây. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Thị trường vàng thế giới đang trải qua giai đoạn tích cực với các phiên tăng mạnh tuần này, đưa giá kim quý giao ngay trở về vùng 2.045 USD/ounce. Đây cũng là vùng giá cao nhất mà vàng giao ngay ghi nhận được từ giữa tháng 1 đến nay. So với phiên liền trước, giá mặt hàng này đã tăng thêm 10 USD/ounce.
Kim loại quý thế giới gia tăng sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi của Mỹ được công bố đúng như dự báo.
Cụ thể, PCE lõi trong tháng 1 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này trùng với dự báo của các chuyên gia tại cuộc thăm dò của Dow Jones. Trong khi đó, PCE tổng thể cũng khớp với dự báo, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo cũng cho thấy người tiêu dùng tiếp tục sử dụng tiền tiết kiệm để chi tiêu trong bối cảnh lạm phát cao. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân ở mức 3,8%, tăng nhẹ so với tháng 12/2023, nhưng giảm gần 1 điểm % so với tháng 6/2023.
Trong bối cảnh giá vàng thế giới diễn biến tích cực, giá vàng trong nước cũng đang có xu hướng tăng với cả mặt hàng vàng miếng và vàng nhẫn.
Cụ thể, sáng nay, Công ty Vàng bạc Đá quý SJC đã nâng giá vàng miếng lên mức 77,6 - 79,6 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Đây là phiên tăng thứ 2 liên tiếp của vàng miếng SJC tuần này.
So với tuần trước, giá vàng miếng SJC đã tăng khoảng 600.000 đồng/lượng. Còn nếu so với 1 tháng trước, giá mặt hàng này đã tăng hơn 2,2 triệu đồng. Tuy vậy, do chênh lệch giá - bán quá cao, hiện người mua vàng từ tháng trước vẫn chưa thể có lợi nhuận.
Thực tế, mốc 79,6 triệu/lượng cũng không phải giá bán ra cao nhất với vàng miếng SJC tuần này. Trong phiên sáng hôm qua (29/2), vàng miếng SJC có thời điểm tăng bất ngờ lên mốc 80 triệu đồng/lượng, cũng là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, mức tăng này không duy trì được lâu và giá vàng miếng SJC nhanh chóng giảm về vùng 79,5 triệu đồng/lượng sau đó.
Hôm nay, không riêng mặt hàng vàng miếng, giá vàng nhẫn SJC cũng được điều chỉnh tăng thêm 200.000 đồng/lượng, hiện được mua vào ở mức 64,3 triệu/lượng và bán ra ở 65,5 triệu đồng.
Tương tự, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hôm nay đã nâng giá mua vàng miếng lên mức 77,7 triệu/lượng và bán ra ở 79,6 triệu/lượng, cao hơn 100.000 đồng so với ngày 29/2.
Giá vàng nhẫn tại đây cũng có mức tăng tương tự, hiện cố định ở 64,2 - 65,4 triệu/lượng.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI sáng nay niêm yết giá vàng miếng ở 77,55 - 79,55 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng. Vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng của thương hiệu này cũng tăng 50.000 đồng, giao dịch tại 65,4 - 66,55 triệu/lượng.
Với Bảo Tín Minh Châu, doanh nghiệp tăng 50.000 đồng với vàng miếng, lên 77,7 - 79,5 triệu/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn được điều chỉnh tăng 100.000 đồng, lên mức 65,54 - 66,64 triệu/lượng. Đây cũng là mức giá cao nhất của vàng nhẫn tròn trơn tại Bảo Tín Minh Châu từ trước đến nay.
Với việc giá vàng thế giới và trong nước cùng bật tăng, hiện chênh lệch giá giữa 2 thị trường vẫn ở mức rất cao. Cụ thể, giá vàng miếng SJC vẫn đang cao vàng thế giới 18,5 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn cao hơn 5 triệu đồng/lượng. Trong đó, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện phổ biến ở mức 61,2 triệu đồng/lượng.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới vô cùng quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.