Giá vàng miếng SJC đã trượt khỏi mốc 67 triệu đồng/lượng tại nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Chí Hùng. |
Thị trường vàng trong nước phiên hôm nay (26/5) đang diễn ra với trạng thái ảm đạm khi giá các mặt hàng đều tiếp tục xu hướng giảm mạnh do ảnh hưởng từ đà giảm giá vàng thế giới.
Giá vàng miếng tại các doanh nghiệp lớn như Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện vẫn neo tại mốc 67 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vàng tư nhân khác đã điều chỉnh giảm giá bán vàng miếng xuống dưới mốc này.
Cụ thể, trong phiên hôm nay, Công ty SJC tiếp tục giảm giá giao dịch vàng miếng thêm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán, hiện cố định ở mức 66,4 - 67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy, chỉ trong hai ngày, mức giảm mà vàng miếng SJC ghi nhận tại đây là 150.000 đồng/lượng.
Nếu so với đầu tuần (22/5), mức giảm mà vàng miếng SJC ghi nhận đã là 350.000 đồng/lượng. Người mua vàng miếng SJC từ đầu tuần này đến nay đã phải nhận khoản lỗ gần 1 triệu đồng.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với giá vàng nhẫn loại 99,99% tại SJC, hiện được doanh nghiệp này chấp nhận mua vào ở mức 55,55 triệu/lượng và bán ra ở 56,5 triệu đồng, cũng thấp hơn 150.000 đồng so với phiên liền trước. Nếu tính trong một tuần gần nhất, giá vàng nhẫn do SJC niêm yết đã giảm 400.000 đồng/lượng và khiến người mua từ đầu tuần lỗ tiền triệu.
Cũng trong hôm nay, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá giao dịch vàng miếng ở mức 66,46 - 67 triệu/lượng, cao hơn 10.000 đồng ở chiều mua và đi ngang ở chiều bán so với ngày 25/5. Giá vàng nhẫn PNJ do doanh nghiệp này chế tác ghi nhận mức giảm 100.000 đồng cả hai chiều, hiện cố định ở 55,6 - 56,6 triệu/lượng.
Tương tự SJC, nếu so với một tuần trước đó, giá vàng nhẫn do PNJ niêm yết đã giảm 350.000 đồng mỗi lượng.
Vùng dưới 67 triệu đồng/lượng hiện là giá bán nhiều doanh nghiệp trong nước niêm yết với mặt hàng vàng miếng.
Trong đó, Tập đoàn DOJI hiện chấp nhận bán ra ở mức 67 triệu/lượng, đi ngang so với hôm qua; Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở 66,93 triệu/lượng; Công ty Vàng Mi Hồng bán giá 66,9 triệu/lượng; Tập đoàn Phú Quý bán giá 66,95 triệu đồng/lượng, VietAGold hiện niêm yết ở 66,4 triệu đồng/lượng...
Ở chiều mua vào, giá các doanh nghiệp đưa ra cho vàng miếng hiện phổ biến trong khoảng 66,3-66,5 triệu đồng/lượng, đều thấp hơn 50.000-100.000 đồng so với phiên liền trước, tùy doanh nghiệp.
Với mặt hàng vàng 24K (vàng 99,99%), giá bán các doanh nghiệp trong nước đưa ra hiện cũng chủ yếu giảm mạnh 150.000-250.000 đồng/lượng, xuống mốc 56,55 triệu/lượng.
Trong đó, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng Rồng Thăng Long ở mức 55,68 - 56,63 triệu/lượng; Tập đoàn Phú Quý bán vàng nhẫn tròn ở 55,7 - 56,55 triệu/lượng; Công ty Vàng Mi Hồng niêm yết vàng 999 ở mức 55,2 - 55,7 triệu đồng/lượng…
Xét trên biểu đồ giá hàng ngày, đà giảm mạnh ghi nhận trong một tuần gần đây đã đưa giá vàng miếng trong nước xuống vùng thấp nhất 2 tuần qua, trong khi đó, giá giao dịch hiện tại của vàng nhẫn 24K trong nước cũng đang ở vùng thấp nhất 1 tháng.
Thị trường vàng trong nước hôm nay giao dịch ảm đạm do chịu tác động của giá vàng thế giới trước những bất ổn của thị trường tài chính quốc tế.
Trên thế giới, giá kim quý giao ngay hiện phổ biến giao dịch tại vùng 1.946 USD/ounce, cũng đang là vùng giá thấp nhất 2 tháng qua. Giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt, chưa thuế phí, chỉ tương đương khoảng 55,5 triệu đồng/lượng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.