Thị trường vàng thế giới tiếp tục giao dịch trong xu hướng tích cực với cả vàng giao ngay và tương lai đang giúp vàng trong nước tăng mạnh lên các đỉnh cao mới.
Trong phiên hôm qua (25/1), giá vàng miếng trong nước tăng vọt lên mức 62,45 triệu đồng/lượng, tương đương với vùng đỉnh ghi nhận hồi tháng 8/2020. Đến sáng nay (26/1), giá vàng miếng tại hầu hết doanh nghiệp lại tiếp tục được đẩy lên mốc cao mới.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý SJC sáng nay tiếp tục điều chỉnh tăng giá vàng miếng lên mức 61,95 - 62,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150.000 đồng so với cùng giờ sáng hôm qua.
Tính trong tuần này, giá vàng miếng SJC đã tăng một mạch gần 800.000 đồng/lượng chỉ sau 3 ngày. Giá hiện tại cũng là mức bán ra cao nhất mà SJC niêm yết với mặt hàng vàng miếng từ trước đến nay.
Nếu so với 1 năm trước, giá mặt hàng này đã tăng tới 6,5 triệu đồng/lượng, tương đương 11,6%.
Giá bán vàng miếng đã tăng lên mức 62,7 triệu đồng/lượng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Ảnh: Chí Hùng. |
Với mặt hàng vàng nhẫn SJC 99,99, sau phiên tăng mạnh hôm qua đến sáng nay đã có xu hướng hạ nhiệt, hiện phổ biến được mua vào ở mức 53,6 triệu/lượng và bán ra ở 54,4 triệu đồng, thấp hơn 250.000 đồng giá mua và 150.000 đồng giá bán so với hôm qua.
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay cũng nâng giá mua - bán vàng miếng lên mức 62 - 62,7 triệu đồng/lượng, tăng hơn 400.000 đồng. Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của vàng miếng tại PNJ và là mức giá cao nhất doanh nghiệp này từng đưa ra.
Với giá vàng nhẫn, PNJ hiện chấp nhận mua vào ở mức 53,9 triệu/lượng và bán ra ở 54,7 triệu đồng, tăng 600.000 đồng so với cùng giờ sáng hôm qua.
Doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá vàng miếng duy nhất trong sáng nay là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, khi đưa giá bán xuống mức 62,5 triệu/lượng. So với cuối ngày hôm qua, giá vàng miếng tại DOJI đã thấp hơn 100.000 đồng. Tuy nhiên, so với cuối tuần trước, mức giá này vẫn cao hơn 800.000 đồng/lượng.
Giá mua vào cũng được doanh nghiệp này giảm 50.000 đồng, hiện phổ biến ở 61,9 triệu đồng/lượng.
Như vậy, trong phiên hôm qua, DOJI là doanh nghiệp niêm yết giá bán vàng miếng cao nhất thị trường thì đến hôm nay đã trở thành doanh nghiệp có giá bán thấp nhất.
DIỄN BIẾN GIÁ VÀNG MIẾNG SJC GẦN ĐÂY | |||||||||||||
Nguồn: SJC; Tổng hợp | |||||||||||||
Nhãn | 15/1 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20/1 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26/1 | |
Mua vàng | triệu đồng/lượng | 61 | 61 | 61.1 | 61.1 | 61.15 | 61.2 | 61.15 | 61.15 | 61.15 | 61.5 | 61.8 | 61.95 |
Bán ra | 61.7 | 61.7 | 61.7 | 61.7 | 61.75 | 61.8 | 61.8 | 61.85 | 61.85 | 62.1 | 62.45 | 62.6 |
Theo các chuyên gia, có 2 nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng mạnh từ đầu tuần là thị trường chứng khoán biến động và giá vàng thế giới tăng tích cực.
Trong nước, thị trường chứng khoán đang ghi nhận những phiên biến động mạnh với sự áp đảo của phe bán, dẫn đến nhiều phiên điều chỉnh sâu của thị trường. Thanh khoản bình quân phiên cũng ghi nhận mức giảm đáng kể so với cuối năm 2021, cho thấy một phần dòng tiền đã được rút ra khỏi thị trường.
Trong khi đó, trên thế giới, giá vàng vẫn đang giao dịch tích cực ở vùng cao nhất 2 tháng.
Trong phiên đêm qua (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn New York tăng tiếp 4,7 USD, đóng cửa ở mức 1.847,9 USD/ounce.
Đúng với dự báo trước đó của các chuyên gia, giá vàng thế giới đang vận động trong vùng 1.835-1.850 USD/ounce để chờ đợi những thông tin mới liên quan chính sách tiền tệ và lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Theo ông Gary Wagner, chuyên gia phân tích giá vàng của Kitco, dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, giá vàng đang có mức kháng cự đầu tiên ở 1.851 USD, nếu vượt qua ngưỡng này, giá kim quý có thể tăng tiếp lên mức 1.867,5 USD.
Ngược lại, mức hỗ trợ đầu tiên với giá vàng nếu suy giảm là 1.828 USD. Tuy nhiên, về dài hạn, giá vàng vẫn đang trong xu hướng tăng tích cực với trợ lực chính là lạm phát tăng cao và dịch Covid-19 ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế toàn cầu.