Giá vàng thế giới tiếp tục trượt dài trong ngày giao dịch đầu tuần. Theo dữ liệu của Trading Economics, kim loại quý đang được giao dịch dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce, giảm mạnh so với cuối tuần trước.
Giá vàng lao dốc mạnh khi USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các đồng tiền lớn khác - phục hồi. Chỉ số này đã vượt ngưỡng 102 điểm sau nhiều ngày mắc kẹt dưới mốc này.
Giá vàng trồi sụt mạnh trong vòng một tuần qua. Ảnh: Trading Economics. |
Fed sẽ vẫn tăng lãi suất?
Vàng đã dứt chuỗi tăng từ cuối tuần trước do áp lực chốt lời, khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Bộ Lao động Mỹ. Đến thời điểm hiện tại, giới quan sát tiếp tục dồn sự chú ý vào báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ.
Các dữ liệu về kinh tế và thị trường việc làm sẽ tác động tới những động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo dữ liệu của CME Group, đến nay, các thị trường đang đánh giá khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5 là 63,4%; khả năng giữ nguyên lãi suất chỉ 36,6%.
Theo ghi nhận của Zing vào cuối tuần trước, các thị trường đánh giá khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 5 lên tới 50,5%.
Dự báo của thị trường về động thái tiếp theo của Fed | ||||
Dữ liệu: CME Group. | ||||
Nhãn | Cắt giảm | Giữ nguyên | Tăng 25 điểm cơ bản | |
Ngày 7/4 | % | 0 | 50.5 | 49.5 |
Hiện tại | 0 | 36.6 | 63.4 |
Như vậy, theo dự báo của giới quan sát, kết thúc cuộc họp sắp tới, khả năng cơ quan hoạch định chính sách của Fed nhất trí giữ lãi suất điều hành ở mức 4,75-5% là 36,6%, và đưa lên vùng 5-5,25% là 63,4%.
Để kìm hãm lạm phát, ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải hạ nhiệt thị trường việc làm và tăng trưởng kinh tế thông qua các điều kiện tài chính thắt chặt. Và điều này giáng đòn mạnh lên giá vàng, chứng khoán và một số tài sản rủi ro, vốn rất nhạy cảm với lãi suất.
Trong họp báo sau cuộc họp chính sách tháng 3, ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed - phát tín hiệu rằng chu kỳ tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ có thể sắp kết thúc. Tuy nhiên, ông khẳng định cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa qua đi.
"Con đường đưa lạm phát trở lại mức 2% vẫn còn dài và gập ghềnh", lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ nhận định.
"Con đường dài và gập ghềnh"
Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ chỉ ra số lượng việc làm mới chỉ tăng 236.000 trong tháng 3, thấp hơn ước tính 238.000 việc làm của các nhà phân tích được Dow Jones khảo sát.
Thị trường việc làm đã ghi nhận mức tăng trưởng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp là 3,5%, thấp hơn dự báo 3,6%.
Thêm vào đó, một số tín hiệu khác cho thấy con đường đối phó với lạm phát của Fed sẽ không kết thúc sớm. Tuần trước, một số quan chức Fed cho biết họ vẫn cam kết chống lạm phát và tin rằng lãi suất có thể được duy trì ở mức cao trong thời gian tới.
Mới đây, một số nước thành viên OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) cho biết sẽ cắt giảm sản lượng dầu. Động thái này có thể đẩy giá nhiên liệu toàn cầu lên cao và tạo thêm sức ép cho các ngân hàng trung ương trong việc kìm hãm lạm phát.
"Giá dầu sẽ gia tăng trong phần còn lại của năm nay bởi các đợt cắt giảm tự nguyện này. Chúng có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu, buộc những ngân hàng trung ương lớn trên thế giới phải giữ lập trường cứng rắn trong việc tăng lãi suất", ông Victor Ponsford tại hãng nghiên cứu Rystad Energy bình luận.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.