Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/10, chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ của Mỹ đã đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Nhóm cổ phiếu bán dẫn và công nghệ của Mỹ chịu sức ép sau khi Washington công bố quy định kiểm soát xuất khẩu, hạn chế bán sản phẩm bán dẫn và thiết bị sản xuất sang Trung Quốc.
Cùng với đó là lo ngại của nhà đầu tư về việc lãi suất tăng cao.
"Mỹ đang bước vào một tuần quan trọng. Báo cáo lạm phát, biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và doanh số bán lẻ sẽ được công bố trong tuần này", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - bình luận với Zing.
"Phiên giao dịch đầu tuần cho thấy thị trường đang lo lắng về những gì sẽ xảy ra trong vài ngày tới", ông nói thêm.
Chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ của Mỹ vừa đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm. Ảnh: Reuters. |
Tuần quan trọng của Phố Wall
Trong phiên 10/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 93,91 điểm, tương đương 0,32%, về 29.202 điểm; trong khi chỉ số S&P 500 mất 27,27 điểm, tương đương 0,75%.
Bà Lael Brainard - Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ đang phát huy tác dụng. Điều này khiến nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể giảm tốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến.
"Nhưng tác động của việc Fed tăng lãi suất sẽ không được thể hiện rõ ràng trong nhiều tháng tới", bà nói thêm.
Mỹ đang bước vào một tuần quan trọng. Báo cáo lạm phát, biên bản cuộc họp của Fed và doanh số bán lẻ sẽ được công bố trong tuần này
Chuyên gia tài chính Craig Erlam
Bất chấp những lo ngại rằng việc tăng lãi suất có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao, ông Charles Evans - Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago - vẫn ủng hộ nỗ lực giảm lạm phát của ngân hàng trung ương.
"Báo cáo việc làm được công bố vào cuối tuần trước cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Điều này sẽ buộc Fed phải tiếp tục hành động mạnh tay, khiến các nhà đầu tư lo ngại", ông Erlam bình luận.
Trong cuộc họp tháng 9, Fed đã quyết định nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3-3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008.
Trước đó, Fed tăng lãi suất 2,25 điểm phần trăm trong năm nay, trong đó có hai lần tăng 0,75 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 6 và tháng 7.
"Mọi người đang lo ngại cho nền kinh tế. Họ sợ rằng một cuộc suy thoái sẽ xảy ra", ông Jake Dollarhide - Giám đốc điều hành của Longbow Asset Management - bình luận.
Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor, theo dõi 30 công ty lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực chất bán dẫn, đã giảm 3,5% sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu vào cuối tuần trước.
Giá cổ phiếu Nvidia Corp lao dốc tới 3,4%. Cổ phiếu của Qualcomm, Micron Technology và Advanced Micro Devices cũng đồng loạt trượt giá.
Giá vàng giảm phiên thứ 4 liên tiếp
Các nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn trước mùa công bố báo cáo tài chính quý III. Theo dữ liệu của Refinitiv, giới phân tích dự đoán trong quý III, những công ty thuộc S&P 500 sẽ ghi nhận thu nhập tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào đầu tháng 7, mức tăng ước tính được đưa ra là 11,1%.
"Mùa công bố thu nhập sẽ bắt đầu vào cuối tuần này. Từ đó, chúng ta có thể biết được góc nhìn của các doanh nghiệp Mỹ về chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed và triển vọng của nền kinh tế", chuyên gia Erlam nhận định.
Các nhà đầu tư cũng trông đợi vào báo cáo lạm phát tháng 9 của Mỹ, được công bố trong tuần này. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ đã tăng lần lượt 0,1% và 8,3% so với tháng 7 và tháng 8/2021, vượt dự báo của giới quan sát.
Giá vàng giao ngay giảm 25,9 USD/ounce trong phiên ngày 10/10. Ảnh: Kitco.com. |
Trong khi đó, chốt phiên giao dịch ngày 10/10, giá của mỗi ounce vàng giao ngay trên sàn New York giảm 26 USD xuống 1.669 USD.
Giá vàng đã giảm 4 phiên liên tiếp, trên đà ghi nhận đợt sụt giảm mạnh nhất trong gần 2 tháng.
Lãi suất tăng cao khiến vàng - tài sản được coi là kênh trú ẩn an toàn - trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Theo dữ liệu từ CME Group và Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London, hơn 527 tấn vàng đã rời khỏi các hầm chứa ở New York và London.
Lãi suất chuẩn tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của vàng thỏi, vốn không được trả lãi, và thúc đẩy đồng USD. Điều này đồng nghĩa rằng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên, khiến lực bán lấn át lực mua trên thị trường kim loại quý.