Theo dữ liệu của Kitco.com, trong phiên giao dịch ngày 7/3 (giờ Mỹ), giá của mỗi ounce vàng trên sàn New York đã rơi thẳng xuống 1.813,3 USD, giảm 33,2 USD/ounce so với mức đóng cửa phiên liền trước.
"Thị trường kim loại quý bị giáng đòn vì mọi hy vọng về một cú 'tiếp đất nhẹ nhàng' đã tiêu tan. Còn USD được đẩy lên cao", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nhận định với Zing.
Chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - đã xuyên thủng ngưỡng 105,5 điểm, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 3 tháng.
Giá vàng lao dốc trong phiên 7/3 (giờ Mỹ). Ảnh: Kitco.com. |
Vàng lại rơi vào vùng nguy hiểm
"Vàng một lần nữa rơi vào vùng nguy hiểm. Nếu giảm xuống dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce, giá vàng có thể tụt dốc không phanh. Lập trường cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ở mức cao", ông Moya giải thích.
Trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn cho 2 cuộc điều trần tuần này tại Đồi Capitol, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cảnh báo rằng lãi suất điều hành có thể tăng vượt dự kiến của các nhà hoạch định chính sách.
Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ chỉ ra dữ liệu kể từ đầu năm cho thấy lạm phát đã đảo ngược đà giảm tốc vào cuối năm 2022. Ông cảnh báo về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nhằm kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Chỉ số USD biến động ngược chiều giá vàng trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics. |
"Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng cần tăng cường thắt chặt chính sách, chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tốc độ nâng lãi suất", ông Powell nhấn mạnh.
Chủ tịch Jerome Powell phải báo cáo về chính sách tiền tệ trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ vào ngày 7/3 và Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm 8/3.
Bài phát biểu của ông Powell nói lên 2 điều. Thứ nhất, ngân hàng trung ương Mỹ có thể đưa mức lãi suất cực đại ở cuối chu kỳ tăng lên cao hơn dự báo.
Thứ hai, cơ quan hoạch định chính sách của Fed đã giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách gần nhất, nhưng có thể tăng trở lại nếu lạm phát vẫn nóng.
Các thị trường chao đảo
Chứng khoán Mỹ đỏ lửa sau những tuyên bố "diều hâu" của ông Powell. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 574,98 điểm (tương đương 1,72%) còn 32.856,46 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq thiên về công nghiệp giảm lần lượt 62,05 điểm (-1,53%) và 145,4 điểm (-1,25%).
Theo dữ liệu của CoinMarketCap, giá Bitcon cũng giảm 1,57% so với 24 giờ trước đó xuống 22.133,27 USD/đồng. Trong vòng 7 ngày qua, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã lao dốc 5,68%.
Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt ngưỡng 4%. Điều này tạo sức ép lớn lên vàng, vốn là tài sản trú ẩn an toàn và không được trả lãi.
Theo chuyên gia Moya, ngưỡng hỗ trợ của giá vàng hiện là 1.800 USD/ounce. Nhưng ngay cả mốc này cũng sẽ lung lay nếu báo cáo việc làm sắp được công bố của Mỹ và những dữ liệu tiếp theo vẫn cho thấy lạm phát còn nóng, buộc Fed phải hành động mạnh tay hơn.
Dữ liệu của CME Group chỉ ra các nhà đầu tư đang đặt cược vào kịch bản Fed nâng lãi suất lên 5,5-5,75% ở cuối chu kỳ tăng.
Theo dự báo được đưa ra vào tháng 12 năm ngoái, các quan chức Fed cho rằng mức lãi suất ở cuối chu kỳ tăng sẽ đạt 5,1%.
Hàng loạt dữ liệu đã chỉ ra Fed đang thất thế trong cuộc chiến chống lạm phát. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng và doanh số bán lẻ trong tháng 1 của Mỹ đều cao hơn dự báo. Thước đo yêu thích của Fed - chỉ số giá tiêu dùng cá nhân - cũng tăng ngoài dự đoán vào tháng đầu tiên của năm.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.