Giá vàng tăng 30 USD/ounce kể từ đầu tháng 3. Ảnh: Bloomberg. |
Theo dữ liệu của Trading Economics, giá vàng thế giới vừa xuyên thủng ngưỡng 1.840 USD/ounce lên 1.842,7 USD/ounce, đánh dấu mức cao nhất trong vòng hơn một tuần. Kể từ đầu tháng 3, giá của mỗi ounce vàng đã tăng 30 USD.
"Giá vàng được hỗ trợ bởi đồng USD yếu đi và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm nhẹ. Áp lực bán tháo trên thị trường vàng đã giảm bớt khi giá lùi về ngưỡng 1.800 USD/ounce", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại London - nhận định với Zing.
Trước đó, các tín hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ đang trở lại đã khiến vàng bị bán tháo ồ ạt.
Các nhà đầu tư cũng đánh giá lại những động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mới đây, Chủ tịch Fed Atlanta - ông Raphael Bostic cho biết ông ủng hộ việc duy trì tốc độ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tiếp theo.
Vị quan chức cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể tạm dừng tăng lãi suất vào mùa hè này.
Đây là một tin tốt đối với vàng. Bởi lãi suất điều hành tăng cao sẽ đè nặng lên thị trường kim loại quý vì làm tăng chi phí vốn và chi phí cơ hội của vàng.
Giá vàng vọt tăng trong vòng một tuần qua. Ảnh: Trading Economics. |
Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm nay, cơ quan hoạch định chính sách của Fed đã nhất trí giảm tốc độ tăng lãi suất còn 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành lên 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Trước đó, trong năm 2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi tăng tiếp 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12.
Thời điểm đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng Mỹ đã bước vào giai đoạn thiểu phát. Nhưng đà tăng của vàng ngắn hay dài sẽ còn phụ thuộc vào tình hình lạm phát ở Mỹ và các bước đi tiếp theo của Fed.
"Nếu các báo cáo sắp được công bố trong những tuần tới cho thấy thị trường việc làm đã hạ nhiệt, và lạm phát trở lại đà giảm sau khi tăng tốc bất ngờ vào tháng 1, tôi sẽ ủng hộ việc tăng lãi suất điều hành thêm vài lần nữa lên vùng cực đại 5,1-5,4% ở cuối chu kỳ", Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết trong bài phát biểu mới đây.
Giá vàng có thể giảm về vùng 1.780-1.800 USD/ounce nếu các dữ liệu kinh tế tiếp theo không đứng về phía vàng
Ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại London
Nhưng theo ông, loạt "dữ liệu nóng" về lạm phát có thể buộc ngân hàng trung ương đẩy lãi suất điều hành vượt mức 5,1-5,4% như dự đoán hồi tháng 12 năm ngoái.
"Giá vàng có thể giảm về vùng 1.780-1.800 USD/ounce nếu các dữ liệu kinh tế tiếp theo không đứng về phía vàng", chuyên gia tài chính Erlam nhận định.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - tăng 0,6% trong tháng 1 và 4,7% so với một năm trước đó, vượt dự báo của giới quan sát. PCE là thước đo lạm phát được Fed yêu thích.
Ngân hàng trung ương Mỹ theo dõi báo cáo PCE sát sao hơn những chỉ số lạm phát khác, bởi chỉ số này điều chỉnh theo thói quen chi tiêu của người tiêu dùng.
Báo cáo PCE không phải minh chứng duy nhất cho thấy Fed đang thất thế trong cuộc chiến chống lạm phát. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng và doanh số bán lẻ trong tháng 1 của Mỹ đều cao hơn dự báo. Tất cả chỉ ra ngân hàng trung ương Mỹ có thể giữ lập trường diều hâu lâu hơn nữa.
Dù đã phục hồi phần nào, giá của mỗi ounce vàng vẫn thấp hơn khoảng 110 USD so với mức 1.953 USD được thiết lập hồi đầu tháng 2. Đây cũng là mốc cao nhất 9 tháng của kim loại quý.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.