Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn cao kỷ lục

Trong năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn lên tới 238.000 tỷ đồng, tiếp tục tăng 5% so với năm liền trước và là mức kỷ lục.

Trong năm 2023 có 39% trái phiếu quá hạn đã được doanh nghiệp phát hành và trái chủ đàm phán cơ cấu lại. Ảnh: T.L.

Đây là số liệu được Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/1.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Chi, tính đến hết ngày 31/12/2023, toàn thị trường ghi nhận 81 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng 269.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã bố trí thanh toán trái phiếu trước hạn với giá trị 238.000 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm liền trước.

Ngoài ra, 39% trái phiếu quá hạn đã được doanh nghiệp phát hành và trái chủ đàm phán cơ cấu lại.

Với mức tăng gần 5% kể trên, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn năm 2023 đã đạt kỷ lục từ khi thị trường này đi vào vận hành.

Trong năm 2022 trước đó, các doanh nghiệp cũng đã mua lại trên 226.700 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 56% so với 2021. Trong đó, phần lớn giá trị mua lại thuộc về nhóm các tổ chức tín dụng với gần 94.900 tỷ, chiếm 42%. Theo sau là nhóm các doanh nghiệp bất động sản, mua lại gần 44.200 tỷ trái phiếu, tương đương 19,5% tổng giá trị mua lại.

Theo đánh giá của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VAMA), hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã tăng vọt kể từ khi xảy ra sự kiện vi phạm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào đầu tháng 4/2022, rồi tiếp tục tăng mạnh trong tháng 12 cùng năm sau sự kiện Vạn Thịnh Phát và Nghị định 65/2022 được ban hành.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, một trong những điểm tích cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 là việc khuôn khổ pháp lý được hoàn thiện, Nghị định 08/2023 quy định về việc ngưng hiệu lực một số điều, quy định của Nghị định 65/2022 cho phép doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để xử lý trái phiếu đến hạn, đảm bảo nguyên tác lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Các quy định mới này đã có tác động lớn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã đưa sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ vào vận hành từ tháng 7/2023, cải thiện đáng kể tính minh bạch và thanh khoản cho thị trường.

Tính đến hết năm 2023, tổng giá trị giao dịch trên sàn trái phiếu riêng lẻ đạt 218.000 tỷ đồng, với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 1.880 tỷ đồng. Toàn thị trường ghi nhận 887 mã trái phiếu của 249 tổ chức đăng ký.

Với các số liệu này, lãnh đạo Bộ Tài chính kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm nay sẽ giữ được tăng trưởng bền vững, thực chất và chất lượng thị trường được nâng lên.

Với thị trường chứng khoán, Thứ trưởng Chi cho biết thị trường chứng khoán phản ánh chất lượng của nền kinh tế. Do đó, với những giải pháp của Chính phủ để đảm bảo các cân đối lớn nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng chất lượng năm 2024, sẽ là nền tảng để kỳ vọng thị trường chứng khoán năm nay phát triển ổn định và bền vững.

Từ phía nhà quản lý, Bộ Tài chính cam kết duy trì thị trường vận hành liên tục, an toàn, tập trung và giữ thông tin minh bạch, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tất cả chủ thể tham gia thị trường.

Cũng trong năm nay, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và triển khai các giải pháp để sớm đạt được tiêu chuẩn về nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất.

Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị... tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk...

Bài liên quan

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm