Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đại gia ngoại chi hàng trăm triệu USD thâu tóm mảng y tế

Chỉ riêng năm 2023, thị trường đã ghi nhận không ít thương vụ M&A của nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dược phẩm với số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.

linh vuc y te anh 1

Thị trường chăm sóc sức khỏe - dược phẩm đang "nóng" dần lên sau hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đình đám từ các nhà đầu tư. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu tăng tốc chiếm lĩnh thị trường để tận dụng lợi thế về dòng vốn dồi dào.

Chỉ riêng năm 2023, thị trường trong nước đã ghi nhận không ít thương vụ M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dược phẩm bên cạnh những thương vụ đầu tư lớn trong ngành bán lẻ hay bất động sản.

Thương vụ lớn nhất phải kể đến là Thomson Medical - ông lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế Singapore và Malaysia - thông báo chi 381,4 triệu USD (khoảng hơn 9.000 tỷ đồng) để mua lại Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam (FEMV) - chủ quản Bệnh viện FV (TP.HCM) - hồi tháng 7/2023.

Đây là thương vụ M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe lớn nhất Đông Nam Á kể từ năm 2020. Đáng chú ý, đại gia đến từ Singapore đã vượt qua 20 đối thủ khác để chiến thắng trong thương vụ thâu tóm này.

Loạt thương vụ nghìn tỷ

Không chỉ Thomson Medical, miếng bánh chăm sóc sức khỏe - y tế hấp dẫn tại Việt Nam cũng "lọt tầm ngắm" Tập đoàn Raffles Medical (RMG) của tỷ phú Singapore Loo Choon Yong. Tập đoàn này cũng đã chi 45,6 triệu USD thâu tóm Bệnh viện quốc tế Mỹ (TP.HCM) hồi tháng 10 năm ngoái.

Hay Thonburi Healthcare Group (THG) - một ông lớn khác đến từ Thái Lan - cũng bày tỏ mong muốn đầu tư phòng khám hạng sang ở Việt Nam trị giá 170 triệu baht (115 tỷ đồng) thông qua hợp tác với IFF Holdings và Mithmittree Clinic có trụ sở tại Việt Nam.

Trước đó, tập đoàn này và Bệnh viện Thonburi Bamrungmuang đã đồng ý cung cấp dịch vụ tư vấn cho Bệnh viện FV (TP.HCM).

Bên cạnh thị trường chăm sóc sức khỏe, Việt Nam còn chứng kiến làn sóng M&A trong lĩnh vực dược phẩm.

Mới đây nhất, SK Investment - công ty con trực thuộc SK Group, chaebol lớn thứ 3 Hàn Quốc - đã trở thành nhà đầu tư nắm 65% cổ phần có quyền biểu quyết tại Công ty CP Dược phẩm Imexpharm.

Tập đoàn này đã đầu tư vào Imexpharm từ tháng 5/2020 sau khi nhận chuyển nhượng 12,3 triệu cổ phiếu IMP (chiếm 24,9% vốn) từ các quỹ thuộc nhóm Dragon Capital cùng với CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset.

linh vuc y te anh 2

Ngành dược luôn là một trong những lĩnh vực hấp dẫn giới đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại. Ảnh: Imexpharm.

Không chỉ vậy, "gã khổng lồ" đến từ Hàn Quốc này cũng thể hiện rõ tham vọng đánh chiếm thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam bằng thương vụ rót 100 triệu USD vào chuỗi Nhà thuốc Pharmacity hồi cuối năm 2021.

Bên cạnh SK Group, một tập đoàn lớn khác đến từ Hàn Quốc là Dongwha Pharm hồi tháng 8/2023 cũng đã chi 30 triệu USD mua 51% cổ phần Trung Sơn Pharma - chuỗi dược phẩm lớn nhất miền Tây.

Dongwha Pharm cho biết thương vụ mua lại này sẽ giúp họ thâm nhập thị trường Việt Nam với các loại thuốc không kê đơn. Công ty cũng có kế hoạch bán các sản phẩm mỹ phẩm, và thực phẩm chức năng.

Một thương vụ đáng chú ý khác là Tập đoàn ASKA Pharmaceutical - hãng dược phẩm hơn 100 tuổi tại Nhật Bản - chi 7,4 triệu USD (khoảng 180 tỷ đồng) để tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Dược phẩm Hà Tây. Sau giao dịch, ASKA nắm giữ 26,8 triệu cổ phiếu của Dược phẩm Hà Tây, tương đương gần 33% vốn điều lệ.

Ngoài ra, Tập đoàn Adamed Pharma thành lập vào năm 1986 tại Ba Lan cũng đã nâng sở hữu tại Dược phẩm Đạt Vi Phú lên 100% vào tháng 5 năm ngoái.

Miếng bánh hấp dẫn

Thực tế, tại các doanh sản xuất dược phẩm lớn của Việt Nam hiện nay như Dược Hậu Giang, Traphaco, Imexpharm, Dược Hà Tây… đều có sự hiện diện của các cổ đông ngoại.

Trong một hội thảo hồi tháng 7/2023, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thị trường chăm sóc sức khỏe nói chung và thị trường dược phẩm Việt Nam nói riêng đang có giá trị hơn 20 tỷ USD, chiếm khoảng 6% GDP năm 2022.

Theo dự báo, con số này sẽ tăng lên khoảng 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 33,8 tỷ USD vào năm 2030. Thị trường dược phẩm Việt Nam cũng đang trên đà tăng trưởng và phát triển mạnh, với tổng giá trị khoảng 3,4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng đã tăng đến 7 tỷ USD trong năm 2022.

"Dự báo, đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỷ USD. Năm 2022, tiền thuốc bình quân đầu người đạt khoảng 75 USD/người", bà Ngọc nói.

Rõ ràng, khi thu nhập bình quân đầu người tăng cao và nhu cầu người dân về các dịch vụ y tế cao cấp tăng lên đã tạo ra "thỏi nam châm" thu hút các nhà đầu tư ngoại.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng ước tính ở đầu năm 2000, chi tiêu cho dược phẩm tại Việt Nam mới vào khoảng 5,4 USD/người, nhưng đã tăng nhanh chóng lên mức 63,5 USD/người vào năm 2020.

"Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2022, những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách dược phẩm đã khiến thị trường này chững lại. Ước tính chi tiêu cho dược phẩm năm 2022 ở mức 66 USD/người", báo cáo cho biết.

CHI TIÊU CHO LĨNH VỰC Y TẾ TẠI VIỆT NAM DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG CAO
Số liệu: Vietnam Report.
Nhãn201720212025 (dự báo)2030 (dự báo)
Quy mô thị trường chăm sóc sức khỏe và y tế trong nước tỷ USD 16.12023.333.8

Các chuyên gia phân tích của Mirae Asset cho rằng mảng kinh doanh này được dự phóng tăng trưởng kép (CAGR) 6% trong 5 năm tới. Điều này căn cứ vào sự thay đổi lớn về bệnh tật cũng như mức gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.

"Giá trị ngành dược phẩm ở Việt Nam năm 2023 sẽ đạt 7,24 tỷ USD, tăng 3,4% so với năm 2022 và đến năm 2024 sẽ đạt 7,89 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2023", Mirae Asset đánh giá.

Đến nay, Việt Nam có 228 nhà máy sản xuất dược đạt GMP, trong đó có 7 nhà máy sản xuất vaccine và 6 nhà máy sản xuất đóng gói thứ cấp vaccine, 77 nhà máy và sản xuất dược liệu...

Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng so với tiềm năng, dư địa và nhu cầu, con số này còn khá khiêm tốn và rất cần sự tham gia của cả khu vực trong nước và nước ngoài.

"Với định hướng phát triển của Việt Nam giai đoạn tới, trong đó có chiến lược thu hút vốn FDI giai đoạn 2030-2031, chúng tôi xác định đây là một ngành đặt trọng tâm ưu tiên đầu tư thu hút phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới. Thời gian qua, các luật liên quan trực tiếp, cơ chế chính sách đã được thể chế hóa, trong đó các chính sách ưu đãi sản xuất đều được hưởng ưu đãi cao nhất", bà Ngọc nói.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Znews tại Tủ sách kinh tế

Chi gần 8.300 tỷ đồng bù giá cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Ngân sách trung ương sẽ chi 8.247 tỷ đồng để thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Đại gia nuôi heo vẫn tham vọng doanh thu tỷ USD

Dù năm 2023 kinh doanh kém sắc, Dabaco vẫn tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 25.380 tỷ đồng và lãi ròng gần 730 tỷ đồng.

DIC Corp muốn rút khỏi hai dự án thành phần Khu đô thị Đại Phước

DIC Corp đã thông qua chủ trương chấm dứt góp vốn vào hai doanh nghiệp được thành lập để đầu tư các dự án thành phần của Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước.

OceanBank sap doi ten hinh anh

OceanBank sắp đổi tên

0

Sau khi được MB tiếp quản, OceanBank dự kiến đổi tên thành MBV. Chủ tịch và tổng giám đốc mới của ngân hàng cũng là các lãnh đạo cấp cao tại MB.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm