Trong hội thảo "Kiến tạo thị trường bất động sản nông nghiệp: Thực trạng và kiến nghị chính sách" diễn ra vào sáng 26/12, các nhà quản lý, chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, bất động sản đã khuyến nghị nhiều biện pháp để nâng cao giá trị.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), nhận định khái niệm về thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực sự rõ ràng, thiếu tính nhất quán. Điều này dẫn đến việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng phát triển, chưa huy động được hết nguồn lực đầu tư.
PGS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, định nghĩa bất động sản nông nghiệp là bất kỳ phần bất động sản nào được chỉ định hoặc được phép thực hiện hoạt động nông nghiệp. Ông định nghĩa thị trường bất động sản nông nghiệp là nơi bất động sản và dịch vụ bất động sản nông nghiệp được giao dịch.
PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: Realtimes. |
Ông cũng chỉ ra một trong những vướng mắc hiện nay của thị trường bất động sản nông nghiệp là vấn đề hạn điền.
Theo quy định hiện tại, hạn điền được quy định ở mức 2-3 ha, nếu tích tụ vượt quá 10 lần sẽ chuyển sang hình thức thuê của Nhà nước, vì vậy các chủ đất nông nghiệp gặp khó khăn trong việc tạo lập và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để kinh doanh. Bên cạnh đó, các quy định về việc chủ thể có thể được mua quyền sử dụng đất cũng đang là một hạn chế trong việc tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới, TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho cần hình thành thị trường mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp như kinh nghiệm ở một số nước Đông Bắc Á.
Trong khi đó, thị trường bất động sản nông nghiệp của Việt Nam có nhiều yếu tố không minh bạch, không rõ ràng và chưa có tính ổn định lâu dài, sự vững chắc về mặt pháp lý. Người mua rất ngại, vì họ có thể phải đối diện với những rủi ro pháp lý bất cứ lúc nào.
Trong khía cạnh tín dụng, ông Nghĩa nói: "Ở Mỹ gần như nông thôn nào cũng phải thế chấp đất để vay vốn ngân hàng. Ở Việt Nam, chỉ có thế chấp nhà chứ không thế chấp ruộng. Điều đó chứng tỏ, ngân hàng không coi ruộng là tài sản thực sự".
Do đó, ông cho rằng ruộng cần phải trở thành tài sản đảm bảo để nông dân có thể vay vốn. Đồng thời, phải có đạo luật, bảo hiểm về quyền sở hữu. Đó là cơ sở để mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, cho thuê đất nông nghiệp. Đã có những doanh nghiệp đi tiên phong nhưng họ cảm thấy bất an.
Trước vấn đề này, PGS Trần Kim Chung đã đưa ra 7 giải pháp đề xuất để phát triển thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam. Ông cho rằng cần hoàn thiện thể chế; tạo dựng, thu hút đầy đủ các thành tố thị trường; thúc đẩy cấp độ thị trường phát triển; hiện đại hóa hệ thống thông tin đất đai tronghệ thống Chính phủ điện tử; hoàn thiện hệ thống quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới và quy hoạch phát triển đô thị; hoàn thiện công tác thu hồi, giao đất; tăng cường chế tài.