Hôm qua, công ty phát triển bất động sản Sinobo Land đồng ý mua lại 64% cổ phần CLB để chính thức tiếp quản Beijing Guoan từ chủ cũ Citic Ltd. Theo đó, giá trị đội bóng giờ vượt qua con số 800 triệu USD (740 triệu euro), cao hơn AC Milan chỉ với 795 triệu USD (739 triệu euro).
Thậm chí, giá trị Atletico Madrid cũng bị đội bóng Trung Quốc cho ngửi khói. Đương kim Á quân Champions League có giá trị từ 565 triệu euro tới 618 triệu euro. Việc Beijing Guoan, sở hữu lượng fan hùng hậu, có chủ đầu tư mới biểu trưng rõ rệt nhất cho sự phát triển thịnh vượng của bóng đá Trung Quốc.
Giá trị Beijing Guoan
đã vượt qua con số 800 triệu USD (740 triệu euro). Ảnh: Getty Images.
|
Tuy nhiên, Beijing Guoanchưa phải đội bóng giá trị nhất khi danh hiệu này thuộc về gã khổng lồ Guangzhou Evergrande Taobao F.C, ước tính giá trị khoảng 2,9 tỷ USD dựa theo phiên giao dịch cuối cùng trên thị trường cổ phiếu Trung Quốc.
Trước giá trị các CLB tăng cao bất thường, giáo sư thương mại thể thao kiêm tư vấn bóng đá Trung Quốc - Simon Chadwick - phân tích: "Đó là tình trạng giá bị thổi phồng. Đây rõ ràng là chuyện chính phủ muốn có những CLB có giá trị cao để thể sánh với các đội bóng lớn nhất thế giới và khiến tất cả mọi người phải bàn tán".
Từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc thông báo kế hoạch biến nước nhà thành siêu cường bóng đá, nhiều CLB lập tức thi nhau chạy đua trên thị trường chuyển nhượng để mang về nhiều tên tuổi. Điểm qua có Carlos Tevez, Oscar, Hulk...
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng lấn sân sang châu Âu để mua lại cổ phần của nhiều CLB. Họ cũng tìm cách thương mại hóa sân chơi quốc nội bằng cách thực hiện nhiều phi vụ tài trợ đắt đỏ và đẩy tiền bản quyền giải đấu lên cao.
Hiện tại, giải Vô địch Quốc gia Trung Quốc đã vượt qua Italy (Serie A) về lượng khán giả với trung bình 24,200 người tới sân mỗi trận, theo số liệu do hãng kiểm toán Deloitte LLP và Ban tổ chức giải Chinese Super League nghiên cứu. Năm ngoái, doanh thu từ tiền bản quyền giải quốc nội Trung Quốc cũng lên tới 145 triệu USD.