Sau 18 năm, “triều đại Rajapaksa” trên chính trường Sri Lanka kết thúc bằng một email.
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, người đã phải chạy trốn khỏi đất nước để tránh né sự giận dữ của đám đông biểu tình, hôm 14/7 đã gửi bức thư điện tử thông báo từ chức tới quốc hội nước này. Khi đó, ông đã tới Singapore - chặng thứ hai trong hành trình lưu vong chưa rõ ngày trở lại.
Lá thư từ chức này mở ra một chương mới trong nền chính trị Sri Lanka. Nước này sẽ có một tổng thống, một thủ tướng và một nội các mới. Nhiều khả năng, lần đầu tiên sau nhiều năm, không cái tên “Rajapaksa” nào xuất hiện trong danh sách này.
Thế lực thống trị
Ông Rajapaksa hôm 14/7 đã bay từ Maldives tới Singapore trên một chuyến bay của hãng hàng không Saudi Arabian Airlines (Saudia). CNN cho biết đây là chuyến bay khởi hành từ thủ đô Malé của Maldives lúc 11h30, và hạ cánh tại Singapore lúc 19h17 (giờ địa phương). Theo các nguồn tin, ông đi cùng với vợ và hai vệ sĩ.
Ông Rajapaksa được cho muốn rời Sri Lanka trước khi từ chức để tránh rơi vào thảm cảnh bị chính quyền mới bắt giữ. Vị cựu tổng thống bị những người biểu tình cáo buộc quản lý kinh tế yếu kém, duy trì trật tự tham nhũng, độc tài và gia đình trị.
Gia tộc Rajapaksa được coi là một trong những gia đình chính trị quyền lực nhất tại Sri Lanka trong thế kỷ 21. Ông Mahinda Rajapaksa, anh trai ông Gotabaya, là tổng thống Sri Lanka từ năm 2005 đến năm 2015, và trở lại chính trường trên cương vị thủ tướng từ năm 2019 đến khi bị buộc từ chức đầu tháng 5.
Ông Mahinda Rajapaksa (trái) và em trai, ông Gotabaya Rajapaksa (phải). Cả hai người từng giữ cương vị tổng thống Sri Lanka. Ảnh: AP. |
Ông Basil và Chamal Rajapaksa, anh em ruột của ông Mahinda và Gotabaya, cũng là các bộ trưởng trong chính phủ. Hai con trai của ông Mahinda - Namal và Yoshitha - lần lượt là bộ trưởng Thanh niên và chánh văn phòng thủ tướng Sri Lanka.
Tại thủ đô Colombo, những người biểu tình ăn mừng sau khi nghe tin ông Rajapaksa chính thức từ chức. Họ đã chờ đợi điều này từ rất lâu.
“Chúng tôi không chỉ cảm thấy hạnh phúc mà còn thấy nhẹ nhõm hơn”, một người biểu tình tên Viraga Perera nói với BBC. “Chúng tôi đã có thể tạm nghỉ và quay lại cuộc sống của mình”.
Ông Rajapaksa đã cố gắng trì hoãn ngày ra đi trong vòng nhiều tháng. Tuy vậy, tới cuối tuần trước, ông cuối cùng cũng không thể trụ vững trước sức ép của làn sóng biểu tình.
Hôm 9/7, người biểu tình tràn vào dinh tổng thống và chiếm giữ nơi này. Khung cảnh xa hoa trong dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa làm nhiều người biểu tình cảm thấy choáng ngợp, nhất là khi nhiều người dân Sri Lanka đang phải trải qua cảnh tượng thiếu thốn những loại hàng hóa cơ bản nhất.
“Tôi chưa bao giờ thấy nơi nào như thế này trong đời”, bà B.M. Chandrawathi, một người bán khăn tay 61 tuổi, nói với Reuters khi ngồi thử một chiếc ghế sofa sang trọng.
“Họ được hưởng sự siêu sang trong khi chúng tôi phải chịu đựng”, bà nói. “Chúng tôi là những người bị lừa dối. Tôi muốn các con và cháu của mình nhìn thấy lối sống xa hoa mà họ đang tận hưởng”.
Dấu chấm hết của gia tộc
Bức thư từ chức ngày 14/7 của ông Rajapaksa - điều mà những người biểu tình hướng đến từ nhiều tháng trước - đem tới nhiều hệ quả tới nền chính trị Sri Lanka.
Đầu tiên, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, một chính trị gia cũng bị người biểu tình phản đối và yêu cầu từ chức, đã trở thành tổng thống tạm quyền theo hiến pháp. Giống như dinh thự của Tổng thống Rajapaksa, nhà riêng của ông Wickremesinghe cũng bị người biểu tình chiếm giữ hôm 9/7.
Gia tộc Rajapaksa là mục tiêu chính của các cuộc biểu tình tại Sri Lanka trong nhiều tháng qua. Ảnh: AP. |
Thứ hai, lá thư mở đường cho một cuộc bầu cử tổng thống tại Quốc hội Sri Lanka. Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena ngày 15/7 cho biết đã chấp nhận đơn từ chức của ông Rajapaksa. Ông đã yêu cầu triệu tập quốc hội từ ngày 16/7 để bắt đầu tiến trình lựa chọn tổng thống mới.
Hai ứng viên nặng ký nhất được cho là ông Wickremesinghe và lãnh đạo đối lập Sajith Premadasa. Do đảng cầm quyền đang nắm đa số ghế trong quốc hội, nhiều khả năng ông Wickremesinghe - người có liên hệ chặt chẽ với gia đình Rajapaksa - sẽ đắc cử. Dù vậy, công chúng Sri Lanka có chấp nhận điều này hay không sẽ là câu chuyện khác.
Thứ ba, ông Rajapaksa sẽ mất quyền miễn trừ tư pháp - đặc quyền của nguyên thủ quốc gia. Do đó, ông sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn nếu chính quyền mới tại Colombo quyết tâm đưa ông ra tòa.
Dù vậy, Bộ Ngoại giao Singapore cho biết ông Rajapaksa chưa đưa ra đề nghị tị nạn chính trị.
“Singapore thường không chấp nhận yêu cầu tị nạn chính trị”, cơ quan trên ra tuyên bố.
Cuối cùng, sự ra đi của ông Rajapaksa đặt dấu chấm hết - ít nhất là tạm thời - cho sự thống trị của gia tộc Rajapaksa trên chính trường Sri Lanka, vốn nổi lên từ khi ông Mahinda, anh trai ông Gotabaya, trở thành tổng thống năm 2005.
“‘Thương hiệu’ Rajapaksa sẽ bị hủy hoại trong một thời gian dài, nếu không muốn nói là mãi mãi”, ông Alan Keenan, chuyên gia về Sri Lanka tại tổ chức tư vấn International Crisis Group, nhận định với Guardian.