Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), ngày 10/3, giá tiêu tại các vùng trồng tiêu trọng điểm như Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, Gia Lai đạt mức 62.000-64.500 đồng/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với hôm 9/3 và tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với 10 ngày trước đó. Đây là mức giá cao nhất kể từ quý II/2019.
Một chủ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lý giải, tình trạng giá tiêu tăng nhanh thời gian qua do thương lái Trung Quốc và giới đầu cơ đang đẩy mạnh thu mua. Trong khi đó, nguồn cung đầu vụ thu hoạch chưa nhiều.
Chưa kể, sản lượng tiêu năm nay có thể giảm từ 25-30% so với năm 2020, theo khảo sát của VPA tháng 12/2020. Sản lượng tiêu của Việt Nam ước tính khoảng 150.000-180.000 tấn, thấp nhất trong vòng 5 năm qua, trong đó riêng tại Gia Lai, thủ phủ tiêu Việt Nam, sản lượng có thể sụt giảm tới 60% so với vụ trước.
Giá tiêu liên tục tăng nhanh từ cuối tháng 2. Ảnh: Báo Đầu tư. |
Trên thị trường quốc tế, giá tiêu đen và trắng xuất khẩu cũng tăng ở hầu hết nước sản xuất lớn. Giá tiêu giao ngay trên sàn Kochi (Ấn Độ) tăng lên mức ở 36.058,35-36.200 rupee/tạ, cao nhất trong khoảng 1 năm qua.
Theo số liệu của Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC), xuất khẩu tiêu trên thế giới năm 2020 đạt hơn 459.000 tấn, tăng 2% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 282.000 tấn, tương đương gần 60% của cả thế giới.
Tuy nhiên, con số này đã giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân có thể do giá tiêu tăng, giá cước tàu tăng và nguyên liệu đã được mua dự trữ trong năm ngoái.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, do lượng hàng tồn kho của Việt Nam từ vụ trước không còn nhiều và sản lượng năm nay dự kiến thấp hơn năm 2020 khi hầu hết vùng trồng tiêu trọng điểm đều giảm diện tích vì giá thấp.