Theo Cnet, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết mới rằng vành đai của Thổ tinh được hình thành khi một trong những vệ tinh tự nhiên tiến quá gần hành tinh chủ. Vệ tinh tự nhiên này có thể đã bị cuốn vào trường hấp dẫn khổng lồ của Thổ tinh.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu tin rằng những mảnh vỡ từ vụ va chạm đã hình thành phần lớn vành đai của Thổ tinh. Theo Giáo sư Khoa học hành tinh Jack Wisdom thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), giả thuyết mới nhất cũng có thể giúp giải thích lý do Thổ tinh có độ nghiêng bất thường.
Trên thực tế, các vành đai hiện tại của Thổ tinh được ước tính mới xuất hiện cách đây 100 triệu năm. Trong khi đó, hành tinh này đã có tuổi thọ ít nhất 4 tỷ năm.
Vành đai của Thổ tinh có thể bắt nguồn từ một vụ va chạm giữa hành tinh này với vệ tinh tự nhiên. Ảnh: Space. |
“Độ nghiêng quá lớn là kết quả của các quá trình hình thành theo dạng đĩa tiền hành tinh hoặc các vụ va chạm lớn. Nhiều lời giải thích đã được đưa ra, nhưng không có lời giải nào hoàn toàn thuyết phục. Điều thú vị là chúng tôi từng giải thích vành đai Thổ tinh đã tồn tại từ khi hành tinh này xuất hiện”, ông Jack Wisdom nói.
Hiện tại, Thổ tinh đang quay quanh Mặt Trời với độ nghiêng hơn 26 độ và về một phía. Con số này thậm chí còn ấn tượng hơn Trái Đất khi hành tinh của chúng ta chỉ có độ nghiêng dao động 22,1-24,5 độ. Từ trước đến nay, lời giải thích được ủng hộ nhất khi nói về độ nghiêng của Thổ tinh là xuất phát từ một lực hấp dẫn với Hải Vương tinh.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu của ông Wisdom và các đồng nghiệp, được hỗ trợ bởi dữ liệu từ tàu vũ trụ Cassini của NASA, một số mô hình mới cho thấy rằng Thổ tinh và Hải Vương tinh đã không còn cộng hưởng lẫn nhau kể từ khoảng 160 triệu năm trước. Điều này có thể xuất phát từ việc Thổ tinh đã “đánh mất” một vệ tinh tự nhiên của mình, với tên gọi giả định là Chrysalis.
Từ một số mô phỏng, Chrysalis có kích thước tương đương Lapetus, hành tinh tự nhiên lớn thứ ba của Thổ tinh ở thời điểm hiện tại. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng 100-200 triệu năm trước, Chrysalis bắt đầu bị đẩy xung quanh bởi trường hấp dẫn của Titan, vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Thổ tinh.
Độ nghiêng bất thường của Thổ tinh càng làm giả thuyết của ông Wisdom có cơ sở. Ảnh: ABC. |
Điều này đã làm chệch quỹ đạo của Chrysalis, khiến nó hỗn loạn và gần như va chạm với Lapetus cũng như Titan. Cuối cùng, Chrysalis có thể đã ở quá gần với Thổ tinh. Các nhà nghiên cứu nói rằng một cuộc “chạm trán” có thể đã xé toạc Chrysalis thành từng mảnh nhỏ, với phần lớn vật chất đã bị Thổ tinh "hấp thụ". Phần nhỏ còn lại đã hình thành nên vành đai tuyệt đẹp như chúng ta thấy ngày này.
“Giống như mọi giả thuyết, nó phải được những chuyên gia khác kiểm chứng”, ông Wisdom cho biết. Bên cạnh đó, ông không ngừng khẳng định đây vẫn chỉ là lý thuyết, mặc dù có tính khả thi cao.