Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa chia sẻ ảnh Mộc tinh chụp ngày 5/7, được xử lý từ dữ liệu thu thập bởi thiết bị JunoCam trên tàu vũ trụ thăm dò Mộc tinh Juno. Hình ảnh đầy màu sắc thể hiện các chi tiết phức tạp trong bầu khí quyển của hành tinh này.
Theo Space, bức ảnh được chụp trong lần tiếp cận thứ 43 của Juno với Mộc tinh. Tại thời điểm chụp, tàu vũ trụ ở khoảng cách 5.300 km so với đỉnh đám mây khí khổng lồ của hành tinh, tốc độ bay 209.000 km/h, vị trí khoảng 50 vĩ độ Bắc.
Ảnh Mộc tinh chụp bởi Juno với màu gần nguyên bản (trái) và được xử lý phần mềm (phải). Ảnh: NASA. |
Hình ảnh được xử lý bởi nhà khoa học độc lập Björn Jónsson tại Iceland. Sau khi tải dữ liệu thô từ Juno, ông đã tạo ra 2 bộ ảnh. Bức ảnh bên trái với màu sắc gần nguyên bản, cho thấy những gì con người sẽ quan sát nếu ở vị trí của Juno. Ảnh bên phải được tăng độ tương phản và bão hòa màu, thể hiện cấu trúc phức tạp trong khí quyển của Mộc tinh.
Từng mảng màu trong bức ảnh bên phải cho thấy sự khác biệt về thành phần hóa học tại những khu vực khác nhau của khí quyển, tiết lộ cấu trúc các cơn bão trong đám mây của Mộc tinh. Những đám mây nhỏ, nằm ở phần cao hơn của bầu khí quyển cũng được thể hiện trong ảnh.
Được phóng vào năm 2011, Juno khởi động hành trình khám phá Mộc tinh từ năm 2016. Kể từ đó, tàu vũ trụ đã tạo ra những hình ảnh ấn tượng về bầu khí quyển, những cơn bão và đám mây khí khổng lồ của Mộc tinh.
Tàu vũ trụ Juno được phóng vào năm 2011. Ảnh: NASA. |
Juno quay quanh hành tinh theo quỹ đạo elip, hoàn thành một vòng sau mỗi 43 ngày. Trong một số nhiệm vụ, Juno hạ độ cao để tiếp cận đám mây và bầu khí quyển Mộc tinh. Khoảng cách gần nhất mà Juno từng hạ xuống là 3.300 km so với đám mây khí, giúp NASA tạo ra video stop-motion về quá trình tiếp cận Mộc tinh của Juno.
Ban đầu, NASA dự kiến cho Juno "nghỉ hưu" vào năm 2021, sau đó kéo dài thời gian hoạt động tàu vũ trụ đến ít nhất năm 2025. Hình ảnh chụp bởi JunoCam được chia sẻ công khai cho các nhà khoa học độc lập để xử lý và phân tích, có thể truy cập trên website của Viện Nghiên cứu Tây Nam, San Antonio.