Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

NASA phát hiện ‘tiểu mặt trăng’ con người chưa từng biết đến

Đây có thể là một trong những vệ tinh nhỏ nhất từng được phát hiện.

Các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa phát hiện một “tiểu mặt trăng” hoàn toàn mới trong Hệ Mặt Trời. Hành tinh chưa từng biết đến này chính là một vật thể đá quay quanh một tiểu hành tinh nhỏ khác, gần Mộc tinh.

Nếu vật thể này được các nhà khoa học xác nhận đúng là một "mặt trăng", tức là một vật thể rắn tự nhiên xoay quanh hành tinh khác, nó sẽ trở thành một trong những vệ tinh nhỏ nhất từng được phát hiện từ trước đến nay.

Vệ tinh siêu nhỏ này được phát hiện lần đầu bởi Lucy, tàu vũ trụ nghiên cứu 8 tiểu hành tinh Trojan của sao Mộc của NASA, hồi tháng 3. Nhóm các nhà khoa học thuộc sứ mệnh Lucy đã phát hiện vệ tinh trong lúc quan sát tiểu hành tinh có tên Polymele, nằm ngoài rìa hệ mặt trời.

Theo NASA, Polymele có kích thước rất nhỏ với đường kính lớn nhất chỉ dài 27 km. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã phát hiện một vật thể lạ khi Polymele đi ngang một ngôi sao.

Tieu Mat Trang moi anh 1

"Tiểu Mặt Trăng" vừa được phát hiện có kích thước rất nhỏ. Ảnh: NASA.

Ngày 27/3, Polymele đã bay ngang qua phía trước của một ngôi sao. Điều này giúp các nhà khoa học đo chính xác kích thước của tiểu hành tinh bằng cách quan sát lượng ánh sáng của ngôi sao khi nó bay vụt qua.

Song, nhóm nghiên cứu còn nhìn một đốm sáng nhỏ hơn, giống một tiểu hành tinh thứ hai theo sau Polymele.

Sau khi phân tích dữ liệu, nhóm cho rằng nhất định đốm sáng này là một vệ tinh, nhà nghiên cứu Marc Buie tại Viện Southwest Research Institute ở Boulder, khẳng định.

Vệ tinh mới được phát hiện có đường kính rộng gần 5 km và nằm cách tiểu hành tinh Polymele khoảng 200 km. Vào thời điểm quan sát, Polymele cách Trái Đất khoảng 772 triệu km.

Vệ tinh được phát hiện đang xoay quanh tiểu hành tinh Polymele. Việc quan sát nó từ Trái Đất là hoàn toàn bất khả thi vì kích thước quá nhỏ. Bên cạnh đó, vật thể cũng quay rất gần với hành tinh mẹ.

Do đó, nếu Lucy không quan sát Polymele khi nó bay ngang ngôi sao lạ, con người sẽ không thể phát hiện vệ tinh siêu nhỏ này.

Theo BGR, các nhà khoa học không thể xác nhận vệ tinh mới bằng cách quan sát từ khoảng cách xa. Họ phải đợi đến khi tàu vũ trụ Lucy tiếp cận gần Polymele vào năm 2027. Nếu may mắn, con người sẽ bắt gặp đúng khoảnh khắc tiểu hành tinh đi ngang qua ngôi sao và nhìn thấy vệ tinh.

Tieu Mat Trang moi anh 2

Sứ mệnh Lucy nghiên cứu các tiểu hành tinh Trojan gần sao Mộc, trong đó có Polymele. Ảnh: Lockheed Martin.

Bên cạnh đó, chỉ có 2/14 nhóm nghiên cứu phát hiện vật thể đá lạ quay quanh Polymele. Vì thế, vệ tinh chưa từng được phát hiện vẫn sẽ còn là một câu hỏi lớn, cần các nhà khoa học giải đáp.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện vệ tinh nhỏ quay quanh tiểu hành tinh Trojan của Sao Mộc.

Trước đó, vào tháng 1/2021, hình ảnh từ Kính viễn vọng không gian Hubble đã phát hiện một vệ tinh quay quanh tiểu hành tinh Eurybates. Sau khi phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu đã xác định được đường đi quỹ đạo của vệ tinh này và đặt tên chính thức cho nó là Queta.

Theo LiveScience, thuật ngữ “mặt trăng” được dùng để miêu tả bất kỳ vật thể rắn tự nhiên nào quay quanh một hành tinh, hành tinh lùn hoặc tiểu hành tinh. Hơn 200 mặt trăng trong Hệ Mặt Trời đã được phát hiện, nhưng con số thực tế còn có thể nhiều hơn, NASA cho biết.

Toàn cảnh sứ mệnh trở lại Mặt Trăng của NASA

Dự kiến khởi hành vào 29/8, chuyến bay Artemis I cùng tên lửa SLS sẽ mở đầu sứ mệnh đưa con người trở lại Mặt Trăng của NASA.

NASA sắp gửi iPad lên quỹ đạo Mặt Trăng

NASA sẽ trang bị iPad trên chuyến bay Artemis 1 để thử nghiệm hệ thống trợ lý ảo giọng nói, hỗ trợ phi hành gia trong sứ mệnh trở lại Mặt Trăng.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm