Nhu cầu thuê nhà tăng cao làm giá tiền thuê nhà ở đi lên. Ảnh: Hồng Chang - Phương Thảo. |
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,15% so với tháng trước và 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,35%, trong đó chỉ số giá dịch vụ giáo dục tăng 2,64% so với tháng trước do một số tỉnh, thành phố tăng học phí năm học mới 2022-2023.
Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tự chủ về kinh phí điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp với quy định.
Bên cạnh đó, vào năm học mới, nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng. Giá sách giáo khoa tăng 0,29%; giá vở, giấy viết tăng 0,09%; bút viết tăng 0,18% so với tháng trước.
TỐC ĐỘ TĂNG/GIẢM CPI TRONG 10 THÁNG ĐẦU HÀNG NĂM | ||||||
Nguồn: Tổng cục Thống kê | ||||||
Nhãn | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | |
% | 3.89 | 2.24 | 2.47 | 1.77 | 4.3 |
Nhu cầu thuê nhà tăng cao
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,69% (làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm) do sinh viên bắt đầu đi học. Nhu cầu thuê nhà tăng cao làm giá tiền thuê nhà ở tăng 8,85%.
Giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,49% do công sơn tường, lát gạch, xây tường, công lao động phổ thông tăng và nhu cầu xây dựng tăng cao.
Ở chiều ngược lại, giá điện, nước sinh hoạt giảm lần lượt là 0,4% và 0,11% do nhu cầu sử dụng giảm; giá gas giảm 3,95% so với tháng trước do từ ngày 1/10, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 18.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 65 USD/tấn.
Giá dầu hỏa giảm 5,07% so với tháng trước do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 3/10, 11/10 và 21/10.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,34% do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và tỷ giá USD tăng cao.
Diễn biến giá tiêu dùng tháng 10/2022 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính. Ảnh: Tổng cục Thống kê. |
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,2% do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13% (làm CPI tăng 0,04 điểm phần trăm).
Trong khi đó, nhóm giao thông giảm 2,17% (làm CPI chung giảm 0,21 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 3/10, 11/10, 21/10 và ảnh hưởng từ những đợt điều chỉnh giảm trong tháng 9. Giá xăng giảm 5,99%, giá dầu diesel giảm 0,6%.
Lạm phát cơ bản tháng 10 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Giá vàng trong nước ngược chiều thế giới
Giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/10/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.766,26 USD/ounce, giảm 0,66% so với tháng 9 do các nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại hai cuộc họp vào tháng 11 và tháng 12 năm nay.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 10 tăng 0,5% so với tháng trước; tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 6,08%.
Đồng USD trên thị trường thế giới tăng sau khi FED tăng lãi suất và nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài.
Tính đến ngày 25/10/2022, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 112,24 điểm, tăng 1,35 điểm so với tháng trước. Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.080 VND/USD.
Chỉ số giá USD tháng 10 tăng 1,84% so với tháng trước và tăng 5,42% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 1,17%.