Giá xăng dầu tăng 5 lần liên tiếp khiến áp lực tăng giá hàng hóa, dịch vụ ngày một cao. Một số siêu thị cho biết đã nhận được đề nghị tăng giá nhiều mặt hàng từ các nhà cung cấp.
Đại diện MM Mega Market cho biết mới đây siêu thị đã nhận được đề nghị tăng giá bán nhiều ngành hàng từ một số nhà cung cấp. "Do giá xăng dầu tăng gấp ba lần nên ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển và chi phí bao bì. Ngoài ra chi phí vận chuyển quốc tế cũng bị ảnh hưởng do giá xăng dầu thế giới tăng và hoạt động kinh doanh khôi phục trở lại sau đại dịch Covid-19", đại diện siêu thị này cho biết.
Ngoài ra, giá nguyên vật liệu như bột mì và bơ tăng cũng sẽ tác động đến giá thành sản phẩm. Điều này kéo theo tất cả các ngành hàng đều bị ảnh hưởng về giá.
Đại diện MM Mega Market cho biết đơn vị đã cố gắng trì hoãn việc tăng giá nhằm mang đến cho người tiêu dùng một mùa mua sắm Tết tiết kiệm và đủ đầy. "Hiện, chúng tôi đang làm việc với nhà cung cấp để có mức giá điều chỉnh hợp lý nhất có thể cho người tiêu dùng", đại diện siêu thị thông tin.
Hiện, siêu thị này cũng có các chương trình khuyến mãi như giảm giá đến 45% các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, mua 1 tặng 1, nhân 2 hoặc 5 lần điểm tích lũy...
Tương tự, đại diện chuỗi siêu thị Lotte Mart cho biết đến nay đơn vị đã nhận được đề nghị điều chỉnh giá từ hầu hết nhà cung cấp, đặc biệt là đối với ngành hàng đồ khô.
Trước áp lực tăng giá mạnh của giá xăng dầu, nhiều nhà cung cấp đang đề nghị siêu thị điều chỉnh giá bán hàng hóa. Ảnh: Phương Lâm. |
"Tuy nhiên hệ thống vẫn đang cố gắng đàm phán với các nhà cung cấp nhằm trì hoãn thời gian tăng giá và tận dụng nguồn hàng dự trữ để giữ giá cũ lâu nhất có thể", đại diện siêu thị này nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Bùi Trung Chính - Giám đốc Khối thu mua ngành hàng thực phẩm - cho biết tính đến hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa nhận được đề xuất tăng giá từ nhiều nhà cung cấp.
Từ sau Tết Nguyên Đán cho đến nay, giá cả hàng hóa tại hệ thống siêu thị vẫn ổn định, không có biến động nhiều. "Tuy nhiên, nếu giá xăng vẫn tiếp tục tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các nhà cung cấp cho khâu sản xuất, vận chuyển... Đặc biệt đối với các sản phẩm mùa vụ và hàng tươi sống", ông nói.
Đại diện Aeon Việt Nam cho rằng sẽ không có trường hợp giá cả tăng đột biến xảy ra tại hệ thống siêu thị và khẳng định doanh nghiệp đã và sẽ luôn nỗ lực làm việc với các nhà cung cấp để bình ổn giá cả, đồng thời tăng cường các chương trình khuyến mãi.
Đối với hệ thống siêu thị Saigon Co.op, đại diện đơn vị này cho hay giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ ngày 21/2 đang tạo áp lực lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại của doanh nghiệp.
"Dự đoán tình hình thị trường, đơn vị đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa ngay sau những ngày Tết, làm việc với các nhà cung cấp để luôn giữ giá cả ở mức ổn định", đại diện đơn vị này cho hay.
Trước đó, chia sẻ với Zing, nhiều doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm cũng cho biết hiện nay giá nguyên liệu đầu vào tăng cao gây áp lực đến chi phí sản xuất.
"Một số nguyên liệu nhập khẩu như bột lòng trắng trứng gà, dầu cọ... tăng rất mạnh làm ảnh hưởng đến chi phí vận hành của doanh nghiệp", ông Đoàn Văn Nam - Phó giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec) dẫn chứng.
Hiện, lãnh đạo Cofidec cho biết công ty cũng đưa ra nhiều giải pháp cân đối như thương lượng mỗi bên chịu một phần chi phí để vượt qua giai đoạn này. "Nếu mức tăng quá mạnh, công ty sẽ buộc phải tăng giá bán", ông nói thêm.