Chiều 21/2, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 961 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 965 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 25.531 đồng/lít và xăng RON 95 là 26.285 đồng/lít.
Đáng chú ý, giá xăng RON 95 trong nước đã vượt đỉnh lịch sử và xác lập kỷ lục mới (thời điểm ngày 7/7/2014, xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít).
Sức ép trước đà tăng liên tục của giá xăng dầu quá lớn, nhiều doanh nghiệp vận tải càng thêm áp lực việc phải thay đổi giá cước.
Nói với Zing, ông Tạ Long Hỷ - Phó tổng giám đốc hãng taxi Vinasun kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - cho biết hiện nay Vinasun và các doanh nghiệp taxi trên địa bàn TP.HCM đã hoạt động ổn định trở lại.
Theo tính toán của ông Hỷ, hiện chi phí xăng dầu đang chiếm 35-40% tổng chi phí mỗi cuốc xe di chuyển. Với giá xăng cao như hiện nay, trong khi giá cước taxi vẫn chưa thay đổi, các doanh nghiệp đang phải cầm cự chưa tăng giá. "Từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán, giá cước taxi tại TP.HCM vẫn ổn định", ông khẳng định.
DIỄN BIẾN GIÁ XĂNG TRONG 10 THÁNG QUA | ||||||||||||
Nhãn | 25/9 | 11/10 | 26/10 | 10/11 | 25/11 | 10/12 | 25/12 | 11/1 | 21/1 | 11/2 | 21/2 | |
E5 RON 92 | đồng/lít | 20716 | 21683 | 23110 | 23669 | 22917 | 22082 | 22550 | 23159 | 23595 | 24571 | 25530 |
RON 95 | 21945 | 22879 | 24338 | 24996 | 23902 | 22801 | 23295 | 23876 | 24360 | 25322 | 26287 |
Cước taxi "phập phồng" theo giá xăng
"Nếu giá xăng tiếp tục tăng thì buộc phải thay đổi giá cước bởi xăng dầu là 'máu' của doanh nghiệp vận tải. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác như hàng hóa dịch vụ... Cuối cùng người tiêu dùng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất", ông nói.
Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM - cho biết hiện nay hoạt động vận tải hành khách vẫn chỉ hoạt động lại ở mức khoảng 50% so với giai đoạn trước. "Doanh nghiệp vận tải hành khách và du lịch đang trên đà phục hồi thì lại bị dìm xuống bởi giá xăng dầu tăng kỷ lục", ông đánh giá.
Về kiềm đà tăng giá xăng dầu, ông Tính cho rằng Liên Bộ Công Thương - Tài Chính nên đề xuất với Chính phủ giảm thuế và phí trong xăng dầu bởi trong một lít xăng dầu, riêng thuế phí đã chiếm rất cao. Đồng thời sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để hạ nhiệt giá.
Mặt khác, về phía doanh nghiệp, hợp tác xã, ông cho rằng vận tải hành khách và du lịch mới phục hồi do đó nhu cầu đi lại chưa cao, nếu tăng giá phải tăng ở mức độ vừa phải và có độ trễ so với giá xăng dầu.
"Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải phải biết cách cân đối, tiết kiệm chi phí nhiên liệu để tăng năng suất lao động và giá thành vận tải không biến động khi giá tăng lên", lãnh đạo hiệp hội này đề xuất.
Về vận tải hàng hóa, ông Trần Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu - cho biết trước Tết Nguyên đán, khi giá xăng tăng mạnh, công ty ông đã điều chỉnh tăng giá cước.
"Tuy nhiên, nếu xăng dầu tiếp tục tăng sốc, đơn vị sẽ buộc phải điều chỉnh thêm. Hiện chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35% tổng chi phí của doanh nghiệp, do đó khi giá mặt hàng này tăng, cước vận chuyển cũng phải điều chỉnh tương ứng", ông nói.
Nhiều mặt hàng rục rịch tăng giá
Trong bối cảnh cước vận chuyển liên tục tăng cao, giá nguyên vật liệu, phí đầu vào leo thang theo giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp sản xuất lo ngại giá bán sản phẩm sẽ phải tăng lên.
Ông Đoàn Văn Nam - Phó giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec) - cho biết chi phí logistics và nguyên liệu đầu vào tăng cao đang là thách thức lớn nhất của hầu hết doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hiện nay.
"Một số nguyên liệu nhập khẩu như bột lòng trắng trứng gà, dầu cọ... tăng rất mạnh làm ảnh hưởng đến chi phí vận hành của doanh nghiệp", ông dẫn chứng.
Hiện, lãnh đạo Cofidec cho biết công ty cũng đưa ra nhiều giải pháp cân đối như thương lượng mỗi bên chịu một phần chi phí để vượt qua giai đoạn này. "Nếu mức tăng quá mạnh, công ty sẽ buộc phải tăng giá bán", ông nói thêm.
Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng rất lớn đến giá thành vận chuyển, đồng thời tác động đến giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất.
Bà Nguyễn Trần Ngọc Trinh - Giám đốc Công ty TNHH Vnflour.
Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Trần Ngọc Trinh - Giám đốc Công ty TNHH Vnflour - đơn vị sản xuất và cung cấp bột mì cho các thương hiệu Vifon, Thiên Hương Food, C.P Food,... thừa nhận hiện giá xăng và nguyên vật liệu tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
"Từ năm 2021 đến đầu năm nay, giá lúa mì đã tăng gần 100% thậm chí có thời điểm hơn, từ hơn 200 USD/tấn tăng lên 300-400 USD/tấn. Do đó giá bột mì cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất cũng buộc phải thay đổi theo tỷ lệ thuận với giá nguyên liệu đầu vào của đơn vị", bà phân tích.
Theo lãnh đạo Vnflour, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng rất lớn đến giá thành vận chuyển, điều này đồng thời tác động đến giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất. Một số sản phẩm của đơn vị đã phải điều chỉnh tăng 5-10%, thậm chí hơn. "Tuy nhiên việc tăng giá bán hàng hóa trong nước hiện nay vẫn rất khó vì sức mua vẫn thấp", bà Trinh đánh giá.
Thực tế ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều nhà phân phối, nhà bán lẻ, đại lý bán hàng đã nhận được thông báo tăng giá từ nhà sản xuất với nhiều mặt hàng thiết yếu như sữa, gạo, đồ uống, thực phẩm đồ hộp, đồ gia dụng...
Cụ thể, từ ngày 15/2, Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam thông báo giá bán lẻ mới, 21 sản phẩm sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi đều tăng giá trong phạm vi 5%. Tương tự vào cuối năm 2021, Vinamilk và Nestlé cũng đồng loạt điều chỉnh giá các sản phẩm trong phạm vi 5%.
Tại các chợ ở Hà Nội giá một số loại củ quả, rau gia vị tăng mạnh trong những ngày gần đây. Cụ thể, ngày 21/2, bắp cải tăng giá từ 7.000-8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg, rau cải 30.000 đồng/bó, súp lơ xanh 50.000 đồng/kg; các loại rau mùi như hành, ngò, rau thơm khoảng 50.000 đồng/kg..., tăng 3.000-8.000 đồng/kg so với vài ngày trước.
Áp lực lạm phát lớn?
Giá xăng, dầu tăng lên mức cao nhất lịch sử làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, các ngành vận tải, sản xuất. Điều này sẽ kéo theo giá hàng hóa thiết lập mặt bằng mới, tạo áp lực lên lạm phát trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,19% so với tháng 12/2021. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tăng 0,66%. Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.
Phải theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo.
Hiện, giá dầu tiến đang tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng. Bloomberg nhận định giá dầu tăng cao sẽ giáng đòn kép vào nền kinh tế thế giới bằng cách thúc đẩy lạm phát và làm suy giảm triển vọng tăng trưởng.
Tại Mỹ, lạm phát tăng lên cao nhất trong vòng 4 thập kỷ đã tạo cú sốc lan ra mọi lĩnh vực. Giá cả tăng mạnh trong nhiều lĩnh vực từ nhà đất, xăng, đồ ăn cho đến ôtô đang gây áp lực cho người tiêu dùng Mỹ. Tương tự, CNBC cũng cho biết mức tăng lạm phát tại Anh đã đạt 5,4% trong tháng 12, cao nhất kể từ tháng 3/1992.
TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - nhận định chi phí sản xuất, kinh doanh tăng cao do kiểm soát dịch bệnh, những rủi ro từ dịch Covid-19 tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu chủ lực sẽ tạo áp lực và rủi ro lạm phát rất lớn cho năm 2022.
Mới đây tại văn bản chỉ đạo ngày 10/2, Phó thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Ngoài ra, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê trong việc rà soát, tính toán các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội, mặt bằng giá, chủ động có phương án điều hành phù hợp khi có dư địa, nhất là đối với các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
"Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng", Phó thủ tướng chỉ đạo.