Liên quan đến việc người chăn nuôi ở khu vực Phù Đổng- Gia Lâm, Hà Nội phải đổ bỏ sữa tươi do công ty IDP không thu gom hết, gây khó khăn cho người chăn nuôi cũng như bức xúc và phản cảm trong dư luận, công ty IDP cho biết, do Phù Đổng, Gia Lâm không nằm trong vùng nguyên liệu chính mà công ty đầu tư, nên không được quan tâm về chính sách hỗ trợ.
Báo An ninh Thủ đô trước đó đã có bài viết phản ánh về tình trạng nhiều tháng nay, hàng trăm hộ nông dân Phù Đồng phải đổ bỏ sữa tươi hàng ngày vì công ty IDP không thu gom hết. Ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ chăn nuôi xã Phù Đổng tính toán, mỗi ngày lượng sữa "ế" vào khoảng 1-1,5 tấn. Hiện tượng này đã bắt đầu diễn ra từ hồi tháng 10/2014.
Đại diện công ty IDP thừa nhận, hiện tượng tăng lượng sữa vào mùa đông năm nào cũng diễn ra. Năm 2014, công ty đã ký hợp đồng với các trạm thu gom sữa tươi tại Phù Đổng, cho phép lượng sữa tăng (giảm) 20%.
"Nhưng thực tế chúng tôi đã nới rộng khoảng cách đó tới 30% và có trạm chúng tôi đã phải thu mua tăng 60% so với mùa hè. Tuy vậy, khu vực này có một số trạm mùa hè thường xuyên bán ra ngoài kiếm lợi nhuận cao, mùa đông không bán được dồn về cho chúng tôi, làm khó khăn cho việc điều hành sản xuất cũng như dự phòng nguồn lực", đại diện công ty IDP cho hay.
IDP cho biết, khu vực Gia Lâm không nằm trong vùng nguyên liệu quy hoạch. |
Trả lời về việc, tại sao công ty IDP không ký hợp đồng thu gom sữa trực tiếp với nông dân như một số công ty sữa khác, IDP cho biết, do vùng Gia Lâm IDP không ký hợp đồng với nông dân mà đang ký hợp đồng thu mua với các trạm thu gom. Vùng này không nằm trong quy hoạch dự án phát triển đàn bò sữa của công ty, do vậy mà các hợp đồng thu mua chỉ thực hiện với các trạm thu gom.
Cũng theo IDP, với giá thu mua sữa tươi như hiện nay của Việt Nam so với các nước khác thì có thể nói là đắt nhất thế giới, trong khi ở các nước khác, giá thu mua sữa tươi chỉ từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, so với giá các công ty đang thu mua sữa tươi tại Việt Nam đang từ 13.000-14.000 đồng/kg. Với giá sữa tươi như vậy thì rất khó cạnh tranh với các sản phẩm khác cùng loại nhập khẩu, nếu doanh nghiệp trong nước không bán được hàng thì cũng không thể thu mua sữa tươi nguyên liệu được.
Tuy vậy, một lãnh đạo Cục Chăn nuôi trao đổi với phóng viên báo An ninh Thủ đô khẳng định, giá thu mua sữa ở Việt Nam chỉ được xếp vào hạng trung bình thấp so với thế giới.
Mặc dù năm vừa qua, giá sữa bột nguyên kem trên thị trường thế giới sụt giảm đến 50% nhưng giá thu mua sữa tươi trong dân tại các nước vẫn rất cao. Cao nhất hiện có Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) giá sữa tươi thu mua vào khoảng 20.000 đồng/lít. Tại Thái Lan, giá thu mua sữa tươi trong dân cũng tương đương với Việt Nam...
Cũng theo ý kiến từ Cục Chăn nuôi, do giá sữa bột trên thế giới giảm mạnh nên các DN có tâm lý "sính" nhập ngoại sữa bột về hoàn nguyên thành sữa nước hơn là thu mua sữa tươi trong dân. Về lâu dài Nhà nước cần cho phép thành lập Uỷ ban Quốc gia về sữa để điều hành chung và áp quota cho các doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột để sản xuất sữa nước hoàn nguyên, trên cơ chế nhập bao nhiêu thì phải hỗ trợ sản xuất sữa tươi nguyên liệu tương ứng trong nước bấy nhiêu. Đây là cơ chế mà Thái Lan đã áp dụng. Đồng thời cần thiết lập và đẩy mạnh chương trình sữa học đường quốc gia.